Kể từ sau hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 (năm 2021), Thủ tướng Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; giảm phát thải khí methanol toàn cầu; tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; và tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu. Việt Nam đang tích cực, chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tính bền vững ngày càng trở thành một chủ đề thiết yếu trong chương trình nghị sự của chính phủ. Không nằm ngoài xu hướng đó, ngành nông nghiệp và thực phẩm ngày càng phải đối mặt với áp lực từ khách hàng, nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh trong việc thực hiện các chương trình bền vững nhằm đảm bảo chất lượng và lợi thế cạnh tranh về môi trường. Do vậy, việc bắt đầu quá trình “xanh hóa” từ đâu, làm thế nào các công ty có thể chuyển đổi và phát triển năng lực nhằm đáp ứng các yêu cầu xanh này trở nên cần thiết cho khả năng cạnh tranh.
Nhằm mục tiêu cung cấp các ví dụ thực tiễn nhất cho thấy việc mua sắm bền vững và hợp tác cải thiện hiệu suất môi trường trong chuỗi cung ứng là điều cần thiết để đáp ứng các yêu cầu xanh, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Khoa Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam; Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam tổ chức Hội thảo "Chuỗi cung ứng nông nghiệp: Từ thu mua bền vững đến quản lý chất thải".
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 29 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực Công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, logistic…, hơn 80 giảng viên, sinh viên có quan tâm đến từ 2 trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Đại học RMIT Việt Nam. Song song với sự kiện trực tiếp tại hội trường, chương trình cũng được tiếp phát thông qua nền tảng zoom nhằm lan tỏa rộng rãi hơn nữa thông điệp của diễn đàn đến với những cá nhân, tổ chức quan tâm.
Trong khuôn khổ của diễn đàn, các chủ đề đã được thảo luận gồm:
- Tham luận: “Chỉ số Mua sắm Bền vững: Kinh nghiệm của Australia và Việt Nam” của PGS. Charles Lau - Chủ nhiệm nhóm bộ môn, Chuỗi cung ứng & Logistics trường Đại học RMIT và TS. Irfan Ulhaq, Giảng viên, Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics trường Đại học RMIT,
- Tham luận: “Quản lý giảm thiểu nhựa trong chuỗi cung ứng thực phẩm ở Việt Nam” trình bày bởi GS.TS. Ngô Xuân Bình - Phó Chủ tịch VAFoST
- Tham luận: “Giám sát chất thải thực phẩm bền vững: Kinh nghiệm của Vương quốc Anh” của GS. Ying Yang - Giáo sư về Vận hành và Quản lý Chuỗi Cung ứng kiêm Trưởng nhóm Nghiên cứu Cộng đồng Nghiên cứu Vận hành và Chuỗi Cung ứng - Newcastle University Business School, Vương quốc Anh.
Những chủ đề được trình bày tại diễn đàn đã thu hút sự quan tâm và trao đổi hào hứng của đại diện đến từ các doanh nghiệp cũng như các bạn sinh viên của 2 trường. Thông qua 3 tham luận và phần chia sẻ, trao đổi trực tiếp tại diễn đàn có thể nhận thấy câu chuyện biến đổi khí hậu hiện nay đang ngày càng nóng lên, không ai có thể đứng ngoài khi trái đất và môi trường sống đang bị đe dọa. Hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp thực phẩm cần biến quyết tâm, khẩu hiệu thành hành động, đẩy mạnh cải tiến công nghệ, đầu tư nghiên cứu phát triển và nỗ lực tìm kiếm giải pháp thân thiện môi trường trong quản lý chuỗi cung ứng, thu mua bễn vững, quản lý chất thải hiệu quả.
Cùng với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân đã có những hành động đồng hành cùng Chính phủ, triển khai nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Diễn đàn "Chuỗi cung ứng nông nghiệp: Từ thu mua bền vững đến quản lý chất thải" đã là nơi để các doanh nghiệp gặp gỡ các chuyên gia và tìm hiểu thêm về chiến lược và kế hoạch hành động nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của các doanh nghiệp tại Australia, Vương quốc Anh, và Việt Nam.
Một số hình ảnh tại hội thảo: