Nhiều doanh nghiệp lựa chọn Hưng Yên để đầu tư trước tiên vì "địa lợi" sát cửa ngõ Thủ Đô. Cách huyện Gia Lâm - Hà Nội chỉ một bờ ruộng, nhưng giá thuê đất của Hưng Yên có lúc hạ xuống 1.700 đ/m2/năm, thấp nhất trong khu vực. Nhưng gây ấn tượng với các nhà đầu tư đến với Hưng Yên vẫn là “chính sách thân thiện"của Tỉnh. Ông Nguyễn Đình Phách, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết: Hưng Yên tiếp nhận tất cả dự án quy mô lớn, nhỏ, không phân biệt đối xử. Có doanh nghiệp mới chỉ "hé" ý định đầu tư về Hưng Yên cũng được Tỉnh cử cán bộ đến tận "hành dinh" tìm hiểu ngọn ngành. Ngoài tranh thủ các bộ, ngành, Tỉnh còn vận động người Hưng Yên đang công tác ở các vùng miền tiếp cận, kéo các nhà đầu tư về quê hương. Do vậy, trước năm 1997, Hưng Yên chỉ có 5 dự án trong và ngoài nuớc đăng ký với hơn 64 triệu USD, thì đến nay, đã có 180 dự án, với vốn đầu tư 422 triệu USD.
Phần lớn các dự án vào Tỉnh đều được triển khai nhanh, đúng nội dung đăng ký. Hiện đã có 55 dự án hoạt động với mức vốn trung bình trên 1ha đất, ở mức khá so với mặt bằng chung cả nước.Trong đó có sự góp mặt của nhiều dự án lớn thuộc Công ty Hoà Phát, TCty Xây dựng Sông Đà, TCTy Dệt - May Việt Nam... nhiều mặt hàng có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng cũng được xuất xưởng từ các KCN Hưng Yên như: Bánh kẹo Kinh Đô, mì Vifon, ti vi LG, nội thất Hoà Phát, ổn áp Lioa, nước khoáng Lavie…
Hiệu quả của hoạt động các dự án đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp Hưng Yên tăng gấp 10 lần so với năm 1996, đạt 3.500 tỷ đồng năm 2002, từ vị trí xếp thứ 41 vượt lên xếp thứ 19 trong 61 tỉnh thành của cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp từ 60% giảm còn 37% trong cơ cấu kinh tế. Hơn 1 vạn lao động có việc làm. Năm 2002, các doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách Tỉnh 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước xu thế các nhà máy mọc lên liên tiếp các doanh nghiệp, tranh thủ sản xuất để tận dụng thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, thì hạ tầng KCN Hưng Yên đã bộc lộ một số điểm yếu.
Do thu hút đầu tư theo phương thức "cuốn chiếu", dự án vào đến đâu, làm điện đường đến đó, nên quy hoạch đã không kịp với phát triển, các doanh nghiệp đã tự giải quyết lấy các nhu cầu, như tự làm đường vào nhà máy, tự khoan giếng để lấy nước sạch, còn nước thải thì tiện đâu đổ đó, chưa có quy hoạch tổng thể. Thế nên, trong đợt kiểm tra mới đây, đã có 5 doanh nghiệp bị lập biên bản vi phạm chỉ giới hành lang an toàn.
Trong khi hạ tầng còn bất cập với các doanh nghiệp đã "yên vị", thì khâu giải phóng mặt bằng lại là quan tâm hàng đầu của những doanh nghiệp đang tiếp tục đến sau. Khi được Tỉnh thông báo vị trí, chủ đầu tư phải tự thân làm nhiều động tác trình với huyện, tiếp xúc với xã, rồi thuyết phục các hộ có đất... Có xã, nghe doanh nghiệp đến sau có giá đền bù cao hơn, đã yêu cầu doanh nghiệp đến trước bổ sung thêm chi phí. Thế nên, năm 2002, có 6 dự án vào thuê đất xã Giai Phạm đã không thống nhất được phương án đền bù, vì chỉ các đó không xa, người dân xã Trưng Trắc được đền bù thêm mỗi sào đất 5 triệu đồng. Cuối cùng thì... các doanh nghiệp vẫn nhận được đất nhưng chậm mất 6 tháng so với kế hoạch đặt ra. Thậm chí, do không thể tiếp nhận nhiều lao động địa phương vào làm việc, có công ty đã chấp nhận đền bù thêm cho mỗi suất lao động 3 - 5 triệu đồng, theo tiêu chuẩn mà chính quyền xã ấn định tuyển dụng con em các gia đình dành đất cho dự án là 1sào đất/1 lao động. Đây là một trong những khó khăn làm, cản trở tốc độ và sự nhiệt tình của các nhà đầu tư đã và đang tìm tới Hưng Yên.
Vì thế, trong cuộc gặp mặt các nhà đầu tư năm 2003 mới được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Đình Phách đã cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Hưng Yên chỉ phải đóng góp tối thiểu và sẽ nhận được những ưu đãi tối đa. Tỉnh sẽ áp dụng quy chế ưu đãi đầu tư mới được ban hành, tại địa bàn các xã thuộc vùng 1, cận kề quốc lộ 5A thuộc 3 huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, do điều kiện giao thông thuận lợi, Tỉnh cho thuê đất ở mức thấp nhất trong khung giá quy định của Nhà nước. Vùng 2 gồm những địa bàn sâu hơn thì áp dụng mức giá bằng 70% giá khu vực 1. Đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư về các điểm vùng 3, gồm các xã phía nam Hưng Yên, nơi bà con nông dân chưa biết ống khói nhà máy là gì, Tỉnh chỉ lấy giá bằng 50% giá của vùng 1. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được miễn tiền thuê đất 7 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất cho tất cả các khu vực. Dự án đầu tư trong nước được miễn tiền thuê đất 13 năm nếu vào vùng sâu, vùng xa. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 50 -70% chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các điểm quy hoạch vùng xa.
Ngoài ra, Tỉnh còn dành thêm tiền hỗ trợ 40% kinh phí đào tạo công nhân cho doanh nghiệp nhận 300 lao động địa phương. Riêng các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản từ địa phương, được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo. Các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các cam kết trong triển khai sẽ bị thu hồi các chế độ ưu đãi đồng thời, truy thu các khoản đã được hưởng và xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ quý 2/2003, Tỉnh thực hiện cơ chế " một cửa" trong quan hệ giữa nhà đầu tư với các cơ quan nhà nước. Đến Hưng Yên, các nhà đầu tư chỉ phải liên hệ với Sở Kế hoạch đầu tư. Tại đây, Sở công bố công khai các thủ tục hành chính, mẫu hồ sơ cho nhà đầu tư. Cùng với việc xây dựng đơn giá đền bù thống nhất cho từng khu vực, Ban Quản lý dự án các KCN có nhiệm vụ giúp nhà đầu tư giải quyết các thủ tục cần thiết, khắc phục tình trạng trung gian.
Phục vụ các doanh nghiệp đầu tư ở KCN Phố Nối - Như Quỳnh đang thiếu nước, thiếu điện, Tỉnh mới đưa vào sử dụng nhà máy nước công suất 3.000 m3/h và một trạm biến áp 110 kV. Cùng với hệ thống chi nhánh ngân hàng, hải quan đã hình thành, Tỉnh chuẩn bị cho xây dựng cảng nội địa và khu chung cư trong thời gian tới. Các Công ty Hoà Phát, TCTy Xây dựng Sông Đà, TCTy Xây dựng Hà Nội chính thức được Tỉnh chọn giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phố Nối A,B, KCN Minh Đức, khắc phục tình trạng từ trước đến nay, KCN Hưng Yên chưa có Ban Quản lý. Đồng thời, Tỉnh quy hoạch được 2 KCN làng nghề, chủ động dành quỹ đất cho các dự án công nghiệp trong tương lai. Đối với các KCN bố trí gần trục đường 5, Tỉnh ưu tiên tiếp nhận các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Các dự án chế biến nông sản, giải quyết nhiều lao động, sẽ đưa vào các huyện phía Nam...
Ông Doãn Anh Quân, Phó Giám đóc Sở KHĐT Hưng Yên vui mừng thông báo, sang năm 2003, dự án vào KCN Hưng Yên không chỉ có các nhóm sản xuất hàng cơ khí, dệt may như trước, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư về chế biến thức ăn gia súc, thực phẩm xuất khẩu. Gần đây, Tỉnh còn tiếp nhận thêm các dự án đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ văn hoá, vui chời giải trí. Đặc biệt, có một số dự án đầu tư nước ngoài như Công ty Beeahn (Hàn Quốc) chọn Phố Cao (huyện Phù Cừ), cách đường quốc lộ 5 hơn 50 km để đặt xưởng may, tận dụng nguồn lao động nông nhàn ở địa phương.
Quốc lộ 5 qua Hưng Yên, đêm đêm rực sáng ánh đèn từ các KCN. Về Hưng Yên hôm nay, chúng ta thấy ngay một không khí thật sôi động, hối hả. Những nhà máy, công xưởng của ta, của nước ngoài đang được khẩn trương xây dựng mọc lên san sát, dọc theo quốc lộ 5 trên địa bàn tỉnh,. Tuy nhiên, trong những năm tới, khi cả nước bước vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá và vùng đất nào cũng muốn thu hút đầu tư, phát triển, thì Hưng Yên cần cố gẳng đổi mới cơ chế, chính sách để hấp dẫn đầu tư hơn. Hy vọng rằng, cùng với cây cầu vượt sông Hồng nối bờ Yên Lệnh đang được khẩn trương thi công, sự cởi mở trong chính sách đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ làm cho lộ trình đầu tư vào Hưng Yên được " Xuôi chèo mát mái" hơn, cho những con thuyền dự án được cập bến Hưng Yên tấp nập như cảng Phố Hiến năm nào./.