Các nội dung chính được đề cập trong hội thảo gồm: Công tác kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) của lực lượng quản lý thị trường; vấn đề liên quan đến hội nhập AFTA, TPP; vấn đề bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Quang cảnh hội thảoTại hội thảo, ông Trần Hùng - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Nạn buôn lậu, hàng giả hàng nhái đang hoành hành, gây ảnh hưởng lớn cho xã hội. Hậu quả lớn mà chúng gây ra như thất thoát cho ngân sách nhà nước, thiệt hại cho nhà sản xuất và người tiêu dùng; đặc biệt là giảm niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư. Những năm qua, một loạt các biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ được thực thi nhằm đấu tranh với nạn này, như: thành lập Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (dựa trên nền tảng Ban chỉ đạo 127 TW trước đây); cùng với đó là các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương nhằm tăng cường và huy động tổng lực sức mạnh của toàn xã hội đấu tranh với vấn nạn này. Ông cũng đã chia sẻ rất thẳng thắn với các đại biểu những vướng mắc, băn khoăn đang diễn ra: Muốn công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả đạt hiệu quả cao thì không phải chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà phải là của toàn xã hội; các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền về những khó khăn, vướng mắc, những sơ hở, bất cập. Vạch mặt những kẻ đang tiếp tay cho những hành vi phạm pháp, đồng thời bên cạnh đó cũng cần kịp thời biểu dương những gương điển hình tiêu biểu trong cuộc đấu tranh này. Ông cũng truyền đạt quan điểm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 “Không có vùng cấm. Bất cứ vụ việc gì khi phát hiện được thì đều phối hợp với các phương tiện truyền thông để không cho chạy án”. Trong 9 tháng năm 2015, cả nước bắt giữ 149.926 vụ việc vi phạm, tăng 30% so cùng kỳ năm 2014; Nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, thanh kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 8759 tỷ đồng, tăng 30% so năm 2014; khởi tố 987 vụ với 1126 đối tượng. Ngoài ra, ông cũng nêu những bất cập đang tồn tại lâu nay đang gây khó khăn cho các lực lượng chức năng như thực hiện tiêu hủy hàng hóa rất phức tạp. Ví dụ như phân bón giả, hóa chất khi bắt giữ hàng nghìn tấn, nhưng khi tiêu hủy lại phải thực hiện theo nhiều qui trình rất phức tạp, thậm chí còn không biết phải xử lý thế nào. Còn đối với nhóm hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ thì mập mờ, lằng nhằng bởi liên quan đến nhiều điều luật, do đó gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường khi một mình phải chứng minh đầy đủ những sai phạm trước tòa…
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Làm rõ phương thức, thủ đoạn luôn là cơ sở quan trọng nhất để tìm ra phương thức xử lý. Cái gì xử lý được ngay thì tập trung kiểm tra, kiểm soát; nếu cái gì gặp vướng mắc lâu dài thì cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để tìm ra cho được qui luật, qua đó mới đưa ra được giải pháp xử lý triệt để. Trước thực tế về lực lượng và cơ sở vật chất đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái như hiện nay, ông nêu 5 nội dung cần làm: Cần nhận thức rõ hơn các chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện về các cơ chế chính sách về chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; triển khai các chuyên đề kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác tuyên tuyền; nâng cao nội lực của lực lượng chức năng.
Ông Lê Ngọc Lâm - Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: Quyền sở hữu trí tuệ là một sản phẩm vô hình. Giá trị của nó được thể hiện ở tính pháp lý nhằm đảm bảo sự tồn tại bền vững cho thương hiệu của một đơn vị, một quốc gia. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp do doanh nghiệp không chú ý đến đăng ký bảo hộ QSHTT nên thương hiệu của họ đã bị kẻ xấu lợi dụng làm mất thương hiệu, mất thị trường, thậm chí dẫn đến phá sản. Đặc biệt trong thời gian tới đây, khi các hiệp định như AFTA, TPP mà Việt Nam tham gia chính thức có hiệu lực thì sẽ là một nguy cơ bất lợi rất lớn đối với thương hiệu của doanh nghiệp nào không đăng ký QSHTT. Điều này dễ xảy ra với nhóm ngành hàng về nông nghiệp, thực phẩm, thậm chí còn xảy ra với cả những giá trị mang tính tiềm ẩn trong phương thức kinh doanh. Xung quanh đến QSHTT, vấn đề nổi cộm là hiện nay thủ tục doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị tra cứu đăng ký nhãn hiệu, hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp… còn kéo thời gian quá dài, gây tâm lý chán nản cho các doanh nghiệp, việc này cần có giải pháp khắc phục nhanh chóng. Ông Trần Bá Cường - Trưởng phòng WTO, Vụ Đa biên - Bộ Công Thương cho biết: Hiệp định TPP qui định rất chặt chẽ về các hành vi thương mại, bởi vậy bên cạnh thuận lợi về có sự bảo hộ chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, đặc biệt về bảo hộ QSHTT thì các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường trao dồi kiến thức và kinh nghiệm để đối phó với những thủ đoạn gian lận thương mại sẽ tinh vi hơn.
Không khí hội thảo tiếp tục nóng lên với phần trình bày của ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Một thực tế đáng buồn là hiện có không ít doanh nghiệp Việt Nam đặt Trung Quốc làm hàng giả các hãng uy tín lớn trên thế giới, sau đó nhập khẩu về tiêu thụ trong nước. Tại thị trường Hà Nội, nhan nhản sản phẩm với nhãn hiệu của các hãng lớn trên thế giới như Nice, Adidas, Gucci… nhưng giá bán thì rẻ bèo so với hàng chính hãng. Ông cũng cho biết thời gian qua đã xuất hiện thủ đoạn mới như hiện tượng “nội địa hóa” bằng phương thức nhập lậu linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam; thông qua các làng nghề gắn nhãn, mác lại trở thành sản phẩm của các nước khác. Đặc biệt ông lưu ý các doanh nghiệp và người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu và quyền lợi cho mình chứ không nên chỉ ỷ lại vào các cơ quan chức năng; cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để giảm bớt gánh nặng trong quá trình thu thập chứng cứ. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp cùng đoàn kết, chung một quyết tâm cao thì đó sẽ như một bó đũa, có sức mạnh tẩy chay và ngăn chặn hữu hiệu nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.
Cùng với phần trình bày rất sôi nổi của đại diện các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vina đã trình bày về giải pháp nhận diện hàng thật, phân biệt hàng giả thông qua tem thông minh Vinachek. Tem được tích hợp từ 6 công nghệ chống hàng giả ưu việt, hiện đại, gồm: Quét mã QR, nhắn tin SMS, truy vấn qua internet, công nghệ nước, công nghệ nhiệt và công nghệ soi bằng cực tia cực tím. Đây cũng là doanh nghiệp có năng lực và rất tích cực trong các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái./.