Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới: Tìm các giải pháp Thúc đẩy không khí sạch và một Hà Nội xanh

Sáng 3/6/2024, tại Toà nhà Xanh Liên hiệp Quốc (Hà Nội), Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, UNDP, WHO và Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình Phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6.

Với thông điệp “Chung tay hành động vì Hà Nội Xanh”, sự kiện tổ chức với mong muốn huy động sự tham gia rộng rãi của hệ thống chính trị - xã hội, tổ chức, cộng đồng; tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan tỏa nhanh trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn xã hội; cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững…

bấm nút phát động hưởng ứng ngày môi trường thế giới
Các đại biểu bấm nút tại Chương trình phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6.

Chương trình có sự tham gia của các tổ chức Liên Hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế các Đại sứ quán tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, các viện nghiên cứu, trường Đại học, đại diện các sở ngành và doanh nghiệp tại Hà Nội.

Việt Nam thiệt hại về kinh tế - xã hội lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí

Thông tin tại sự kiện cho thấy ước tính, thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí xử lý trong tương lai. Con số này tương đương với 4% GDP của đất nước.

Theo WHO trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí từ các bệnh đường hô hấp cấp, sự trầm trọng thêm các bệnh nền như hen suyễn, và các tình trạng khác như đột quỵ, bệnh tim và ung thư phổi.

đại diện WHO phát biểu tại lế phát động
Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt phát biểu tại sự kiện.

Cũng theo WHO đáp ứng một cách hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đòi hỏi hành động ở các mức độ khác nhau: trong ngắn hạn, chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ những người bị phơi nhiễm nhiều nhất và những người có nguy cơ nhất. Chúng ta cũng cần tăng cường nỗ lực trong trung và dài hạn, để giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân khiến người dân bị bệnh, trong trường hợp này là nguồn ô nhiễm – bao gồm nhiên liệu hóa thạch, giao thông, đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ...

Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chính sách quan trọng nhằm cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững cho Thủ đô như Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, Đề án cải thiện các con sông nội đô, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2025-2030... Tuy nhiên, để đạt được những kết quả thiết thực, thì rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân.

đại diện UNDP
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Thúc đẩy hành động mạnh mẽ để giải quyết ô nhiễm không khí bảo vệ môi trường

Lan tỏa thông điệp “Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh” tại cũng tại lễ phát động trong sáng cùng ngày tại Lễ phát động, Hội thảo với chủ đề Không khí sạch, thành phố xanh - Từ cam kết đến hành động”được tổ chức, để cùng cam kết đạt được không khí sạch tại Hà Nội thông qua hành động chung và các giải pháp sáng tạo.

Các diễn giả, bao gồm đại diện từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng khoa học, đã thảo luận về cách sự kiện “Không khí Sạch, Thành phố Xanh”sẽ là chất xúc tác cho sự hợp tác lớn hơn giữa các bên liên quan, thúc đẩy hành động mạnh mẽ và ngay lập tức để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, giúp người dân, du khách tận hưởng nhiều ngày không khí sạch, bầu trời xanh hơn đồng thời truyền cảm hứng cho sự phát triển của nhiều giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội.

Tại đây các đại biểu đã nêu rõ, mặc dù là thủ đô của cả nước với nhiều địa điểm đẹp và mang tính lịch sử, Hà Nội lại phải chịu đựng chất lượng không khí kém trong nhiều ngày suốt cả năm. Mức độ các hạt bụi mịn có hại trong không khí có thể cao hơn gần chín lần so với mức khuyến cáo của WHO. Điều này có tác động không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Tác động của ô nhiễm không khí không chỉ dừng lại ở sức khỏe.

Các cuộc thảo luận cũng nhấn mạnh tới nhiều lợi ích liên quan của việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí; các chiến lược để cải thiện không khí trong lành sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải, cải thiện việc tiếp cận năng lượng sạch, củng cố quản lý môi trường và làm cho các thành phố trở nên bền vững hơn…

trao đổi tại hội thảo
Theo các ý kiến tại Hội thảo để giải quyết các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, sẽ cần sự nỗ lực phối hợp để giảm ô nhiễm từ công nghiệp, giao thông, phát thải từ chăn nuôi và sử dụng phân bón, đốt rơm rạ và cải thiện thực hành quản lý chất thải…

Chương trình ghi nhận và chia sẻ các mô hình, giải pháp xanh từ các cá nhân, tổ chức và các hoạt động sáng tạo thu hút tham gia của công chúng để lan tỏa các giải pháp bảo vệ môi trường; các sáng kiến địa phương và kinh nghiệm thực tiễn của các đối tác…triển lãm các sáng kiến/giải pháp bảo vệ môi trường như không khí sạch, giảm rác, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng và giao thông bền vững từ hơn 100,000 các hành động của người dân Hà Nội trong những năm qua.

Tại sự kiện Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt cho biết, “Chất lượng không khí kém là một nguy cơ đáng kể đến sức khoẻ tại Hà Nội. Nếu không hành động, tác hại đến sức khoẻ từ ô nhiễm không khí có thể đe doạ những thành tựu về tuổi thọ mà chúng ta đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội phù hợp với cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ toàn dân, cũng như phát triển kinh tế và xã hội bền vững, để tạo ra một tương lai tươi sáng hơn, khoẻ mạnh hơn và công bằng hơn”.

Phát biểu tại sự kiện bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là rất quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030. Không khí chúng ta hít thở ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ sức khỏe đến kinh tế và cả phúc lợi của các thế hệ tương lai. Mặc dù việc giải quyết tác động của ô nhiễm không khí rất quan trọng nhưng chúng ta cũng phải ưu tiên hành động để giải quyết các nguồn gây ra ô nhiễm không khí. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan – các cơ quan chính phủ, đối tác khu vực tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế và địa phương – đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí.”

Ngày Môi trường Thế giới là ngày quan trọng nhất của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới. Năm nay, Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD); tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến 3/4 dân số trên thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2021-2030, thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững...

Q.Minh