Với mục tiêu lấy CN - TTCN làm nền tảng trọng tâm cho việc phát triển kinh tế trên địa bàn, huyện Đông Sơn đã có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm nghề, chú trọng khôi phục nghề truyền thống, thu hút nghề mới, hỗ trợ các xã đầu tư phát triển mạng lưới giao thông huyện. Đồng thời, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và tránh cạnh tranh không lành mạnh, UBND Huyện đã phối hợp các ngành thành lập Hiệp hội đá Đông Sơn - Thanh Hóa, đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường tại các nước châu Âu.
Trong 2 năm qua, huyện Đông Sơn đã triển khai thực hiện một cách sâu rộng Nghị quyết 05 ngày 09/5/2003 của BCH Đảng bộ Huyện về phát triển CN - TTCN giai đoạn 2003 – 2010. UBND huyện Đông Sơn đã thể chế hóa thành đề án để tổ chức thực hiện, chỉ đạo các phòng chức năng, các ban ngành liên quan thực hiện. Bước đầu tiên là tập trung chỉ đạo xây dựng, lập quy hoạch các khu công nghiệp, chủ yếu là khu công nghiệp Đông Lĩnh (8,6 ha), Vức (176 ha) và 5 cụm nghề chính: Đông Hưng, Đông Tân, Đông Anh, Đông Tiến, Đông Nam để mời gọi các doanh nghiệp trong huyện và trong tỉnh vào đầu tư. Bên cạnh đó, Huyện còn đặc biệt chú trọng đến việc duy trì, khôi phục nghề truyền thống từ nguồn tài nguyên quý giá là đất để sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ trong nước và đá để sản xuất ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Hiện tại, Huyện đang chỉ đạo triển khai hoàn thành Dự án Đá mỹ nghệ làng Nhồi. Dự án này đã xây dựng được mô hình 3 doanh nghiệp, 30 lao động có tay nghề được cấp chứng chỉ chế tác đá. Ngoài duy trì và khôi phục các nghề truyền thống, huyện Đông Sơn còn mở rộng việc thu hút, du nhập, nhân cấy ngành nghề mới. Để đẩy mạnh hơn nữa việc tăng tỉ trọng công nghiệp, giảm tỉ trọng nông nghiệp trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Đông Sơn đã tiến hành du nhập, nhân cấy nghề mới vào các xã thuần nông. Trong 2 năm qua, các cấp chính quyền và nhân dân trong Huyện đã phát huy có hiệu quả tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng đất ở các xã phía Nam để xây dựng 2 nhà máy và một số xí nghiệp sản xuất gạch tuynen. Ngoài ra, Huyện đã du nhập được nghề chế tác đá mỹ nghệ trang sức vào 2 xã Đông Hoàng và Đông Minh. Từ chỗ chỉ có 2 hộ với 30 lao động, đến nay, Đông Hoàng đã phát triển thành 15 hộ với 322 lao động có mức thu nhập ổn định, bình quân từ 400 - 500 ngàn đồng/người/tháng. Trong tương lai, Huyện còn dự kiến đưa nghề mây tre đan, may mặc và một số nghề khác du nhập vào các xã.
Cùng với những thế mạnh sẵn có, CN – TTCN của Đông Sơn đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Hai năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế CN - TTCN theo tinh thần NQ 05/ BCH Đảng bộ Huyện, tình hình sản xuất CN - TTCN trên địa bàn đã đi vào ổn định và phát triển có hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2004, doanh thu CN-TTCN là 194 tỉ đồng. Trong quá trình phát triển CN - TTCN, huyện ủy HĐND và UBND huyện Đông Sơn luôn quan tâm đúng mức đến các lĩnh vực kinh tế khác như thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp. Đây là những lợi thế lớn cho việc phát triển thương mại dịch vụ. Hiện nay, Huyện đang tiến hành quy hoạch các khu đô thị, các khu công nghiệp, cụm nghề và từng bước hình thành các thị trấn, thị tứ, các trung tâm kinh tế, đây là tiền đề cho việc phát triển các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh thương mại cho những năm tiếp theo. Hiện nay, toàn huyện có 1.897 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ, trong đó, kinh doanh thương nghiệp có 1038 hộ, kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa có 504 hộ, kinh doanh ăn uống có 240 hộ, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn 20 hộ, phục vụ y tế 15 hộ, photo 20 hộ, phục vụ cá nhân cộng đồng 60 hộ. Thị trường xuất khẩu của Huyện có chiều hướng phát triển tốt, hiện tại có 16 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, thị trường chủ yếu là Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Úc, Hàn Quốc ...
Năm 2004, tổng doanh thu thương mại đạt khoảng 23.341 triệu đồng, tăng 20% so với năm 2003. Riêng xuất khẩu đạt 5.279.300 USD đạt 105,6% kế hoạch, tăng 47,7% so với năm 2003. Mặc dù có lợi thế lớn để phát triển thương mại, đặc biệt là phát triển lĩnh vực xuất khẩu, nhưng do xuất khẩu đang ở dạng tiểu ngạch, mặt hàng chưa đa dạng, chủ yếu là xuất khẩu thô, cạnh tranh tự phát dẫn đến sản phẩm bị ép giá, phá giá nên kết quả trên lĩnh vực thương mại còn khiêm tốn.
Trong công tác quản lý và sản xuất nông nghiệp, Huyện luôn coi trọng chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng thêm một số trang trại, thực hiện chỉ tiêu sản xuất lúa lai, giành một phần đất xây dựng vùng chuyên canh: giống lúa thơm, ớt, dược liệu, hoa, rau an toàn; tập trung mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng của thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
Với những thành tựu đáng kể đạt được trong quá trình phát triển kinh tế cùng với sự cố gắng quyết tâm của các cấp, các ngành vànhân dân huyện Đông Sơn, trong tương lai, nền kinh tế của cả Huyện sẽ phát triển vững mạnh toàn diện hơn nữa.