Với mục tiêu đó, huyện Đức Linh chủ trương phát triển có hiệu quả các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm ưu tiên, đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Đức Linh qua các năm luôn ở mức cao; trong những năm gần đây, tăng trưởng của huyện đạt trung bình 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo đó giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành Dịch vụ và nhất là tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp – Xây dựng (Đến cuối năm 2022, tỷ trọng ngành Nông nghiệp còn 42,14%, ngành Dịch vụ tăng lên 30,15% và ngành Công nghiệp – Xây dựng đạt 27,71%).
Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các huyện giáp ranh trong và ngoài tỉnh. Nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, huyện tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác chuẩn bị hồ sơ để tranh thủ các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công; đảm bảo tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án ngay khi có kế hoạch vốn. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, các công trình đã khởi công trong năm, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch được giao.
Định kỳ, rà soát tiến độ các dự án để kịp thời điều chỉnh vốn huyện tự cân đối hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh nguồn vốn. Triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo giao vốn cho các địa phương kịp thời, thường xuyên đôn đốc các địa phương để hoàn thành giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra chất lượng công trình, dự án để công trình, dự án sử dụng có hiệu quả khi đia vào hoạt động.
Những dự án cơ sở hạ tầng tiêu biểu thực hiện trong những năm gần đây có thể kể đến: Công trình xây dựng Công viên huyện Đức Linh, công trình Nâng cấp đường Đông Hà – Gia Huynh, công trình Đường cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp dọc sông La Ngà, xã Tân Hà; công trình Trường THCS Phan Bội Châu, huyện Đức Linh; các công trình Trường Tiểu học Trần Quý Cáp và Trường Mầm non Vàng Anh, huyện Đức Linh; công trình Sửa chữa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Linh…
Với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và thu hút các nguồn lực đầu tư, huyện Đức Linh thực hiện tái cơ cấu đầu tư với phương châm chuyển dần đầu tư công từ nguồn ngân sách sang huy động các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đang từng bước phát huy hiệu quả, giảm áp lực từ đầu tư ngân sách; từ việc thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đối với các Đề án theo cơ chế đặc thù như phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương đều được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ đầu nhiệm kỳ (2020 – 2025) đến nay đã thực hiện được 27,24 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư 34,6 tỷ đồng, trong đó vốn huy động nhân dân được 12,11 tỷ đồng; ngoài ra có các doanh nghiệp, nhân dân tự bỏ 100% vốn để đầu tư các tuyến đường, các công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng.
Song song với đó, huyện Đức Linh cũng tạo thuận lợi trong thu hút, kêu gọi đầu tư, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách. Có lợi thế quỹ đất rộng và nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ, có hệ thống giao thông đa dạng gồm hệ thống nhiều đường cao tốc, kết nối nhanh chóng tới sân bay, cảng biển lớn: 1h tới sân bay Long Thành, 2h tới cảng Cái Mép Thị Vải và Phú Mỹ. Huyện Đức Linh được ví như “thỏi nam châm” thu hút nhiều nhà đầu tư đến đặt nhà máy sản xuất. Trong 05 năm gần đây, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính, nổi bật là nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 03 cụm công nghiệp trên địa bàn xã Đông Hà cùng với các dự án dịch vụ kèm theo như khu dân cư, nhà máy nước… Đến nay huyện Đức Linh sở hữu 300 ha diện tích các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Trong số đó phải kể đến các cụm công nghiệp lớn như: Cụm công nghiệp Nam Hà 1,2 (70,4ha, 74ha), Đông Hà (38,4ha)…
Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hàng năm, đến nay thu nhập bình quân ước đạt 55 triệu đồng/người/năm. Trong lĩnh vực giáo dục, mạng lưới trường, lớp được duy trì và phát triển, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Các chính sách đền sơn đáp nghĩa, phúc lợi và an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh được ổn định.