Vừa qua, tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xem xét, thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trong đó, Bình Thuận đặt ra 3 trụ cột phát triển. Đầu tiên là công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các khu, cụm liên ngành.
Thứ hai là ngành dịch vụ với các loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí; thể thao; du lịch nông nghiệp, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics.
Cuối cùng là nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.
Về hệ thống đô thị, đến năm 2030, Bình Thuận có 16 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Phan Thiết), 1 đô thị loại III (thành phố La Gi), 3 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu), 11 đô thị loại V.
Nghiên cứu mở rộng không gian phát triển TP Phan Thiết về phía bắc (thuộc Hàm Thuận Bắc) và phía Tây (thuộc Hàm Thuận Nam). Phát triển thêm 3 đô thị, bao gồm: đô thị Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, đô thị Sơn Mỹ thuộc huyện Hàm Tân và đô thị Phú Quý.
Tỉnh cũng sẽ hình thành một số khu đô thị mới, khu đô thị chức năng hiện đại, trước hết là hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết, đô thị Vĩnh Tân, đô thị Sơn Mỹ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50,8% vào năm 2030.
Đối với phương án phát triển mạng lưới giao thông, Bình Thuận xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trục giao thông kết nối với mạng lưới giao thông quan trọng quốc gia đến các khu đô thị, du lịch, các khu, cụm công nghiệp và các khu vực tiềm năng phát triển của tỉnh.
Cụ thể gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến Quốc lộ 1, 28, 55, 28B, 51C (hình thành mới), đường bộ ven biển; nâng cấp cải tạo hệ thống đường tỉnh; cải tạo hoặc xây dựng mới hệ thống cầu cống.
Tỉnh cũng đầu tư 7 tuyến giao thông kết nối liên thông với đường bộ cao tốc đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 2 làn xe; 6 tuyến giao thông chính kết nối đến cảng hàng không Phan Thiết, Khu du lịch quốc gia Mũi Né; phát triển 05 tuyến giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics tại khu vực Cảng biển Vĩnh Tân...
Trước đó, vào tháng 4/2023, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km đã chính thức đưa vào hoạt động, kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tạo thành trục cao tốc liên hoàn xuyên suốt từ TP. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết.
Tuyến cao tốc giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết xuống chỉ còn khoảng 2 giờ, giảm gần nửa thời gian so với đoạn đường quốc lộ hiện hành. Điều này giúp Bình Thuận có cơ hội đón khách du lịch từ hơn 13 triệu dân đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Tây.
Đặc biệt, du khách từ các tỉnh miền Bắc sẽ tiết kiệm thời gian di chuyển khi bay vào Hồ Chí Minh chuyển tiếp xuống Bình Thuận chỉ còn 2 giờ, thay vì 4 giờ đồng hồ di chuyển.
Bên cạnh đó, sân bay Phan Thiết đang đẩy nhanh tiến đô, sân bay Long Thành sẽ đưa vào hoạt động năm 2025… cũng là những động lực quan trọng giúp Bình Thuận thu hút cả khách du lịch và cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.