Có được kết quả này là nhờ huyện Gia Viễn đã phát huy được nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp như: Nguồn lao động dồi dào, được quan tâm đào tạo; hệ thống giao thông thuận tiện, đã và đang được đầu tư nâng cấp khá hiện đại, các con sông chảy qua địa bàn huyện có lượng phù sa cao, thường xuyên bồi trúc tạo thành nhiều mỏ đất sét là nguyên liệu để sản xuất gạch đất nung; huyện còn có 2.218 ha núi đá vôi, chất lượng tốt phục vụ cho các nhà máy xi măng.
Phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Gia Viễn đã phối hợp với Sở Công Thương Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư vào các KCN, CCN tại địa phương. Trong đó chủ trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký kinh doanh; triển khai tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh (nhất là về chính sách thuế, đất đai).
Đồng thời, huyện cũng tích cực phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng đã được quy hoạch, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN, CCN, tạo mặt bằng tiếp nhận dự án đầu tư.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển CN-TTCN, trong những năm qua, giá trị sản xuất ngành CN-TTCN trên địa bàn đều đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ, đồng thời tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo.
Năm 2021, công nghiệp huyện Gia Viễn có sự phát triển và duy trì ở mức tăng trưởng khá, tập trung chủ yếu tại một số doanh nghiệp, sản phẩm sản xuất ở KCN Gián Khẩu như: lắp ráp ô tô Thành Công, xi măng, sản xuất linh kiện điện tử. Trên địa bàn huyện Gia Viễn có 1 khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu và 3 cụm công nghiệp (CCN) đó là CCN Gia Vân, Gia Phú, Gia Lập với 44 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh có gần 1.700 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài KCN, CCN và trên 6.000 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Sản xuất công nghiệp của huyện Gia Viễn duy trì mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 16.154,5 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó trọng điểm tại Khu công nghiệp Gián Khẩu như: Lắp ráp ô tô Thành Công ước tăng 24,7%; Công ty May Đài Loan ước tăng 40,3%; Công ty Sanico sản xuất linh kiện điện tử ước tăng 43,4%...
Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, huyện Gia viễn sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong công nghiệp, huyện sẽ tập trung các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.
Trong đó, đẩy mạnh một số ngành công nghiệp tiềm năng như vật liệu xây dựng, đóng tàu, sản xuất hàng tiêu dùng, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch nhất là tại CCN Gia Phú, CCN Gia Lập. Đảm bảo an ninh trật tự trị an, môi trường kinh doanh thuận lợi, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút lao động địa phương./.