Cụ thể, chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO trong tháng 4/2021 đạt trung bình 122,03 US cents/pound (0,454 kg) – mức cao nhất trong vòng 42 tháng trở lại đây. Giá cà phê trên toàn cầu xác lập xu hướng tăng dần qua các tháng kể từ khi niên vụ cà phê 2020/2021 bắt đầu kể từ hồi tháng 10/2020.
ICO cho biết các yếu tố nền tảng của thị trường bao gồm sự mất cân đối cung – cầu và sản lượng cà phê được dự báo giảm đang là các yếu tố chính thúc đẩy đà tăng giá của các loại cà phê.
Trong đó, nguồn cung cà phê Arabica trên toàn cầu được dự báo sẽ trở nên căng thẳng hơn trong ngắn hạn trong bối cảnh sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2021/2022 sẽ giảm hơn 30% do cây cà phê tại nước này bước vào chu kỳ giảm sản lượng. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê, đặc biệt là cà phê Arabica, lớn nhất thế giới.
Dữ liệu của ICO cho thấy tất cả các chỉ số giá cà phê thành phần trong chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO đều đã tăng lên trong tháng 4 vừa qua. Đối với nhóm chỉ số giá cà phê Arabica, các chỉ số giá đều tiếp tục xu hướng tăng mạnh kể từ hồi tháng 10/2020. Trong tháng 4/2021, chỉ số giá cà phê Colombian Milds đã tăng 2,4% lên mức trung bình 181,70 US cents/pound; chỉ số giá cà phê Brazil cũng tăng 1,7% lên mức trung bình 124,18 US cents/pound.
Trong khi đó, chỉ số giá cà phê Robusta tăng nhẹ 0,8% lên mức trung bình 74,47 US cents/pound trong tháng 4/2021. Mức giá này hiện cao hơn tới 16% so với mức giá cùng kỳ tháng 4/2020. Mức chênh lệch giữa chỉ số giá cà phê Colombian Milds và chỉ số giá cà phê Robustas đã tăng thêm 3,5% lên mức 107,23 US cents/pound.
ICO dự báo tổng sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 sẽ tăng 0,5% lên 169,63 triệu bao (1 bao = 60 kg). Trong đó, sản lượng cà phê Arabica ước tăng 2,6% lên mức 99,42 triệu bao. Ngược lại, sản lượng cà phê Robusta được dự báo sẽ giảm 2,4% xuống còn 70,21 triệu bao.
Lượng cà phê tiêu thụ toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 được ICO dự báo sẽ tăng 1,3% lên 166,34 triệu bao. Theo ICO, các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nhu cầu tiêu thụ cà phê trong niên vụ 2019/2020 đang dần giảm xuống và xu hướng sử dụng cà phê đang gần phục hồi về như mức thông thường. Lượng cà phê được tiêu thụ tại các nước nhập khẩu cà phê được dự báo sẽ tăng 1,3% trong niên vụ 2020/2021.
Đồng thời, mức tiêu thụ cà phê nội địa tại các nước xuất khẩu cà phê cũng tăng 1,4%. Do đó, mức dư cung cà phê trên toàn cầu được ICO sẽ giảm xuống còn 3,28 triệu bao trong niên vụ 2020/2021, so với mức 4,6 triệu bao trong niên vụ trước.
Dữ liệu của ICO cho thấy tổng lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2020/2021 (từ tháng 10/2020 – tháng 4/2021) đã đạt 65,4 triệu bao, tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Đáng chú ý, tổng lượng cà phê Arabica xuất khẩu loại Brazilian Naturals đã tăng mạnh 19,2% lên 23,66 triệu bao trong giai đoạn vừa qua. Ngược lại, lượng cà phê Robusta xuất khẩu trong nửa đầu niên vụ 2020/2021 đã giảm 3,5% xuống mức 23,59 triệu bao.
Bên cạnh đó, lượng cà phê xuất khẩu tăng thêm trên toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2020/2021 chủ yếu là loại hạt xanh, chưa qua rang xay với mức tăng 4,3% lên 59,32 triệu bao; xuất khẩu cà phê đã qua rang xay đã giảm 4% xuống còn 336.172 bao và xuất khẩu cà phê hoà tan giảm 3,4% xuống mức 5,72 triệu bao.
Báo cáo của ICO cho thấy trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 13,2% xuống còn 12,58 triệu bao. Lượng cà phê xuất khẩu của Indonesia cũng giảm mạnh 20,2% xuống còn 3,7 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Brazil đã tăng 23,3% lên 24,66 triệu bao và xuất khẩu cà phê của Colombia tăng 3,5% lên 7,09 triệu bao.