Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19 do sự lây lan của biến chủng Omicron sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Bên cạnh đó, nguồn cung dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới; đặc biệt, sản lượng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ được nhận định sẽ gia tăng mạnh. Điều này sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới rơi vào trạng thái dư cung cho đến ít nhất cuối năm 2022 và mức dư cung trong quý 1/2022 có thể lên đến 1,7 triệu thùng/ngày.
Những dự báo tiêu cực này đã đẩy giá dầu thô giảm xuống trong phiên giao dịch hôm nay ngày 15/12. Cụ thể, vào lúc 15h00 chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 2/2022 đã giảm tới 1,22% xuống 73,26 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 1,31% xuống mức 69,80 USD/thùng.
Những dự báo của IEA trái ngược với nhận định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được đưa ra trong ngày 13/12. OPEC nhận định nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu sẽ tăng vượt mức 100 triệu thùng/ngày vào quý 3/2022, con số này tương đương với hồi năm 2019 – thời điểm đại dịch Covid-19 chưa xảy ra trên toàn cầu. OPEC cũng dự báo đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô tại nhiều nơi trên thế giới vốn diễn ra trong quý 4/2021 sẽ kéo dài sang cả quý 1/2022.
Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính ANZ (Australia) nhận định việc IEA và OPEC đưa ra các nhận định trái ngược về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể cho thấy giá dầu thô sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn. Trong khi đó, hãng tư vấn năng lượng FGE (Singapore) nhận định triển vọng thị trường sẽ tích cực hơn so với dự báo của IEA với khả năng dư cung dầu thô trên thị trường sẽ chỉ ở mức 400.000 thùng/ngày trong quý 1/2022, thấp hơn nhiều so với dự báo của IEA.
Giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm nay còn chịu tác động tiêu cực từ việc đồng USD mạnh trở lại, khiến các loại hàng hoá thô được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác. Mặt khác, giới đầu tư trên toàn cầu hiện tập trung quan sát diễn biến phiên họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) diễn ra vào chiều ngày 15/12 (theo giờ địa phương). FED có thể đưa ra các dấu hiệu về việc sớm nâng lãi suất trở lại.
Thông tin mới về lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ cũng tạo áp lực giảm lên giá dầu. Cụ thể, Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 10/12 chỉ giảm 815.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 2,1 triệu thùng được thị trường dự báo trước đó. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào ngày 15/12 (theo giờ địa phương).