Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết định của Ireland đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên xúc tiến thương mại, bày tỏ vui mừng về kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, riêng 9 tháng đầu năm 2016 đạt gần 800 triệu USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, đầu tư của Ireland tại Việt Nam còn thấp, mới đạt khoảng 21 triệu USD.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Ireland khuyến khích các doanh nghiệp Ireland đầu tư tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Ireland đầu tư, kinh doanh lâu dài. Đồng thời đề nghị Ireland tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu sang thị trường Ireland.
Thủ tướng mong muốn Ireland chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam phát triển nền nông nghiệp hiện đại, chuyển giao công nghệ sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam.
Công ty Mainstream Renewable Power của Ireland và Công ty Thái Bình Dương vừa ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện gió công suất 140MW tại Bình Thuận trị giá 200 triệu USDHoan nghênh Chiến lược quốc gia của Ireland về hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng đề nghị Ireland tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; mong muốn Ireland tăng số lượng học bổng đại học, trên đại học cấp cho Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chương trình giáo dục - đào tạo chất lượng cao.
Cho biết Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, Thủ tướng đề nghị Ireland chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về đào tạo, huấn luyện và phát triển Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Về tình hình ở biển Đông, Thủ tướng mong muốn Ireland tiếp tục ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về phần mình, Tổng thống Michael D. Higgins chia sẻ: “Từ khi sang Việt Nam, chúng tôi đã cảm nhận được sự đón tiếp nồng ấm, một trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước”.
Tổng thống Ireland mong muốn tiếp tục chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam theo chiến lược đã đề ra cho giai đoạn 2017 - 2020, tập trung vào những đối tượng khó khăn nhất ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, người khuyết tật.
Tổng thống đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý hành chính nhà nước, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, văn hóa - nghệ thuật; đề xuất Việt Nam sớm mở sứ quán ở Thủ đô Dublin.
Cho rằng hai nước đang ở thời điểm với những cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, Tổng thống mong muốn Việt Nam coi Ireland là nhịp cầu để vươn tới thị trường châu Âu và Ireland cũng có thể trông cậy vào Việt Nam là nhịp cầu để vươn tới thị trường ASEAN với 600 triệu dân. Tổng thống nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Về quan hệ thương mại, Tổng thống khẳng định hoạt động đầu tư của Ireland sẽ thay đổi và phát triển, hướng vào các lĩnh vực như hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế xanh, hiệu quả; chia sẻ kinh nghiệm của Ireland về cổ phần hóa, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ.