Kể chuyện đá gà

Lần theo câu hát dân gian ấy, chúng tôi về xứ Cao Lãnh (Đồng Tháp). Quả danh bất hư truyền. Đi dọc theo sông Cao Lãnh, vào miệt vườn thuộc các xã Hòa An, Tân Thuận Tây, cứ khoảng 5-7 căn nhà lại có mộ

 

Tôi ghé nhà ông Ba Sao, một người có tiếng trong nghề nuôi gà nòi hơn 30 năm qua. ông dành hết khoảng sân rộng xung quanh nhà để nuôi gà nòi. Mỗi con gà trưởng thành được nhốt riêng trong cái lồng đan bằng nan tre. Coi cái cách của ông cho gà uống nước cũng thật là kỹ lưỡng. Phải là nước mưa, đựng trong lu có nắp đậy đàng hoàng, tới cữ mới đem ra cho vào cái ca nhựa, móc lên thanh tre ở cửa lồng. Chuyện cho gà ăn càng công phu hơn. ông cho biết: phải “ví” sẵn năm bẩy chục giạ lúa trong nhà, mà phải là lúa phơi khô, tê sạch như tiêu chuẩn lúa xuất khẩu. Trước khi cho gà ăn phải “gút” lúa bằng cách ngâm nước, ủ cho ra mộng. Mà cho ăn cũng phải có chừng mực, sao cho vừa đủ chất, vừa không dư mỡ, nếu không gà sẽ nặng nề, xoay trở chậm chạp. Cũng giống như huấn luyện cầu thủ bóng đá vậy, ăn uống phải đẩy đủ dinh dưỡng và chế độ tập luyện nghiêm ngặt, gà mới khoẻ, nhanh nhẹn và chịu đòn dai, sẵn sàng “nạp”, hứng chịu mọi cú va chạm của đối thủ.

 

Cách nuôi gà đá

            Để con gà có da thịt săn chắc, hàng ngày, ông Ba Sao tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà. Các thứ lông cánh, đuôi, chân, cổ... được cắt tỉa cẩn thận. “Để cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận. Còn tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da... voi, cựa thường đâm không thủng, trừ cựa sắt mà thôi”. ông Ba Sa tiết lộ.

Gà nuôi được một năm thì tới tuổi trưởng thành, bắt đầu “cáp” đá được rồi. Nhưng thường các chủ gà chưa cho ra trận liền mà “ủ” đó cho tập luyện ráo riết. Cứ độ chừng 5-7 ngày là gà được “xổ” một lần, giống như võ sĩ đấu tập vậy. Chọn hai con gà bằng nhau cho đá thử. Trước khi đá, các “huấn luyện viên” thường cẩn thận dùng vải mềm bịt cựa gà lại để tránh rủi ro. Mỗi trận đấu tập chừng 10-15 phút thì nghỉ một hiệp. Cứ 3-4 hiệp thì xong. Sau khi đấu tập, các chủ gà thường coi thế đá, phân tích từng cú nạp, móc giò, né đòn, mổ, đâm... để đánh giá năng lực của “võ sĩ”. Từ đó, sẽ có cách “cáp độ” thích hợp khi gặp đối thủ.

            Trong thời gian “tập nặng” như vậy, các chú gà được tẩm bổ hết sức kỹ lưỡng. Cách chừng 2-3 ngày, gà lại được cho ăn một lòng đỏ trứng gà, thịt bò hoặc cá sống. Tốt nhất là cho gà ăn lươn tươi chặt khúc nhỏ, không để mất máu tươi. Ngoài ra, thêm các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành... ông Ba Sao cho biết, mỗi sáng cho gà uống một lần, có ly, chén đong đo cẩn thận. Làm như vậy để gà bền sức khi đá, không “hốc” nước. Sau đó, đem gà ra tắm sương, dùng khăn sạch lau gà cho đều rồi phun ít rượu. Làm cách này để gà dai sức, đá không nhanh mệt. Điều tối kỵ là không bao giờ để cho gà đạp mái, vì nếu làm vậy đang đá nửa chừng, gà dễ bị run chân dẫn đến “cúng mạng” đối phương.

Hiện nay, các “lò” nuôi gà xuất hiện ở đều khắp các tỉnh Đồng Tháp chứ không riêng gì Cao Lãnh. Có thể thấy nổi lên khá rầm rộ ở miệt Gò Công (Tiền Giang), Đức Hòa (Long An), Hóc Môn- Bà Điểm (thành phố Hồ Chí Minh), ô Môn (Cần Thơ), Châu Đốc – Long Xuyên (An Giang)... đều là những nơi có truyền thống nuôi gà nòi từ xưa.

 

Nghề chơi cũng lắm công phu

            Dân chơi gà truyền thống thường là dân “nghiền”, cốt để làm vui, giải trí, có cá độ thì cũng ở mức nhỏ, chừng một vài trăm ngàn đồng trở lại. Gà nuôi rồi bán ra, giá cũng bình dân. Thường là 500.000đ-600.000đ/con. Gà đẹp, vảy đều, đá có nét, cao lắm bán được 1,3-1,5 triệu đồng/con. Còn dân cá độ thứ thiệt, cá 5-7 triệu tới vài chục triệu mỗi độ thì cách nuôi và chơi gà thuộc đẳng cấp chuyên nghiệp. Gà cỡ này phải có giá 5-7 triệu đồng/con. Cá biệt là gà “dữ”, thường thắng hai, ba độ rồi giá tới 10 triệu đồng/con cũng có người tranh mua.

            Năm Đại, một tay nuôi gà có tiếng ở xã Tân Thuận Tây, được biết tới như một người nuôi gà nòi chuyên ghiệp. Anh thường tuyển giống những con gà đã giải nghệ sau khi thắng những độ lớn. Khi đem về gà cũng te tua, bầm dập, nhưng với cách dưỡng của anh, gà mạnh khoẻ, sung sức trở lại. Rồi anh đi qua tận Bến Tre, Tiền Giang tìm những con mái tơ nòi đem về phối giống. Giải thích vì sao phải đi xa như vậy, anh cho biết: “để tránh gà bị “lộn kiếp”, tức là đồng huyết, cùng họ hàng, gà sẽ yếu”. Khi gà bằng nắm tay, trong một bầy 8-9 con, anh chỉ giữ lại 3-4 con “tuyển” và bắt đầu “o” cho tới ngày khôn lớn. Gà của anh giá ít nhất cũng 1,8 triệu đồng/con.

            Nuôi gà cao cấp hơn phải kể đến anh Phú ở xã Hòa An, TX. Cao Lãnh (Đồng Tháp). Dựa vào câu nói dân gian “chó giống cha, gà giống mẹ”, anh tìm mua cho được gà mái Mỹ nhập từ nước ngoài. Theo suy luận của anh, gà mái Mỹ có lá phổi nhỏ, cho lai với gà nòi Việt Nam sẽ cho ra lứa gà có phổi nhỏ giống mẹ. Điều này, hết sức có lợi cho gà khi lâm trận. Bởi vì khi đá gà, thường đâm vào nách đối thủ, nếu trúng phổ thì thua liền. Nếu gà có lá phổi nhỏ thì xác suất bị đâm trúng sẽ không cao. Ngoài ra, do đặc điểm của gà Mỹ là sung sức, mạnh mẽ, khi lai với gà nòi Việt nhanh lẹ, khôn ngoan sẽ cho ra lớp kế thừa có đầy đủ tố chất của dòng gà vừa khoẻ vừa tinh khôn, có đòn hiểm. Không biết lý luận trên có đúng với thực tiễn không, nhưng xem ra, gà của anh bán đắt như tôm tươi. Đa số dân chơi gà nòi ở khắp xứ, từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh ĐBSCL, tận Campuchia đều tìm về anh để chọn mua gà.

            Anh có hẳn một “dây chuyền” nuôi gà khá hoàn hảo. Khi gà nở, anh đem rải đều cho các tay chuyên nuôi thúc mỗi người chừng hai ba chục con. Khi gà lớn, anh lại chuyển cho các tay chuyên huấn luyện để tập đấu. Các “huấn luyện viên” này lo luôn việc “tẩm” gà hàng ngày, “xổ” gà theo lịch, cắt tỉa lông sạch sẽ và theo dõi sức khoẻ cùng cân nặng để phân loại và xếp hạng cân trong thi đấu. Cũng công phu và tỉ mỉ như nuôi bò sữa, gà loại này được ghi rõ xuất xứ bố mẹ, chủng loại, cân nặng, độ tuổi hẳn hoi. Và tất nhiên là tiền nào của nấy, một con gà ở đây bán ra không dưới 2 triệu đồng. Và chỉ cần thắng một độ đầu tiên, lập tức nó tăng lên tới 9-10 triệu đồng. Giống như cầu thủ bóng đá vậy, chỉ qua vài trận nổi lên là lập tức giá chuyển nhượng sẽ tăng tới mức chóng mặt.

 

Mánh khóe trường ga

            Len lỏi qua nhiều vườn cây rậm rạp, họ đến một bãi đất trống, vắng vẻ. Hai bên trao đổi vài câu ngắn gọn, rồi mỗi bên đem một con gà của mình ra. Họ vẽ một cái vòng tròn đường kính chừng 2 mét rồi thả gà vào. Gà nào cũng được chồng hai que sắt dài 5-6 phân ở chân. Cựa nhọn đến nỗi đâm vào ngực người cũng chết, huống chi gà. Hai con gà được thả vô vòng đấu. Chúng xù lông cổ, nhảy lên, xông vào nhau đá rẹt rẹt. Khán giả bên ngoài vỗ tay reo hò cổ vũ. Được khoảng 5 phút, con gà ô dùng mỏ túm được mồng con gà điều. Nó nhảy lên nạp mạnh một cái. Hai con rớt xuống nằm canh nhau. Hai “nài” gà của đôi bên nhào vô gỡ ra. Phe gà điều chửi thề: “Mẹ nó, Dính nguyên cựa vô ức”. Cái cựa sắt được gỡ ra, con gà điều loạng choạng vài bước rồi ngã gục. Độ gà nhanh  chóng kết thúc. Hai bên chung tiền rồi mạnh ai nấy về.

            Dân chơi gà thường kể nhau nghe những vụ thắng độ đáng ngờ của ông Sáu Dâu, một tay chơi gà có hạng ở Bà Điểm (thành phố Hồ Chí Minh). Sau nhiều lần thua liểng xiểng ở Long An, ông bán hết nhà cửa để giải nghệ. Sau đó một năm, bỗng dưng người ta lại thấy ông xuất hiện trở lại. ông ôm theo những con gà không lấy gì xuất sắc lắm, nhưng đá đâu thắng đó. ông thắng chừng 7-8 độ gì đó, chuộc lại nhà cửa, rồi từ đó tới nay giải nghệ luôn. Giới chơi gà đồn đại với nhau rằng, ông được một “ông thầy” nào đó cho một bài thuốc “tẩm gà”. Thuốc này đem tẩm vô mồng gà của ông. Gà đối phương chỉ cần cắn vô mồng một cái, tự nhiên bủn rủn hai chân không đá được. Lúc đó, gà ông chỉ cần đá vài cú nhẹ là thắng. Người ta cũng đặt câu hỏi: “Vì sao ông không tiếp tục dùng nó để độ dài dài?”. Có người trả lời: "vì ông đã thề độc với thầy là chỉ dùng mánh này để lấy lại vốn đã mất thôi. Sau đó phải bỏ nghề. ông giữ đúng lời hứa, sau đó thì biệt tích giang hồ luôn".

Còn ở Gò Công, có một chủ gà đã nhờ hẳn một bác sĩ phẫu thuật nách con gà của mình, luồn vào đó một miếng inox nhỏ làm "giáp" che thân. Con gà bị đâm liên tục ba bốn nhát mà vẫn... trơ trơ. Nó thắng tới độ thứ tư thì chủ của nó cũng đem... nấu cà ri luôn vì sợ bể mánh. Tại Châu Đốc, có một bác sĩ mê đá gà đã cho con gà cưng của mình uống một loại "doping" cực kỳ sung mãn. Khi ra đá, sức nạp của nó hết sức mãnh liệt. Chỉ cần ba cú “nhập kê”, gà đối phương đã bị đo ván liền. Dân độ khoái quá, tưởng gà chiến nên tranh nhau mua với giá cao. Ai dè, chỉ một độ kế tiếp, gà này thua tan tác. Lý do vì thiếu “doping”.

            Dân chơi gà độ thường “xử” nhau theo luật giang hồ. Vì mang tính cờ bạc nên Nhà nước cấm, khi tranh chấp nhau không ai phán xử, cho nên chuyện đánh lộn, đâm chém gây rối loạn trật tự thường xuyên xảy ra. ông Ba Sao kể: “Có một lần, con gà của bên A bị đâm một cựa sắp chết. Khi gỡ gà ra, “nài” của bên A đã kịp thời bí mật luồn tay đâm gà bên B một cựa. Hai con gà cùng ngắc ngư, coi như huề. Bên B sinh nghi bèn kiểm tra gà của mình thì phát hiện bị gian lận. Họ xách dao rượt đuổi bên kia, báo hại bà con xóm làng phải một phen khiếp vía”.

            Chú Phan Kim Huê, ở đường Hoàng Hoa Thám, thị xã Tân An (Long An), một người có ba đời chuyên nghề nuôi gà nòi, đã từng viết hẳn một cuốn sách về "cách chọn và nuôi gà nòi" nói về mánh trường gà như sau: "Các nài gà thường có những ngón điểm huyệt gà rất hiếm. Vô tình để             gà mình cho đối thủ coi thử hoặc so

            hạng cân, lúc cầm gà, hắn đã bí mật móc nhẹ vào yếu huyệt của gà mình. Khi ra đá, gà bỗng dưng yếu xìu và bị hạ trong nháy mắt. Cho nên, điều tối kỵ trong "binh kê" là không bao giờ cho đối thủ cầm con gà của mình". Chú Huê cho biết thêm: chơi gà nòi là một nghệ thuật của ông bà ta từ xưa. Nhìn cặp gà đá nhau, người xưa coi thế đá, né đòn, cách tiến thủ của gà mà sáng tạo ra bài "kê quyền" trong môn võ Bình Định. Cũng giống như nhìn khỉ đùa với hổ mà ông bà mình có bài "hầu quyền", nhìn rắn và chuột đấu với nhau cho ra bài "xà quyền". Người xưa đá gà có phân hiệp đấu, cho gà nghỉ giải lao đàng hoàng. Trường gà có dựng mê bồ, có sân ngồi coi, giống như coi thi đấu võ đài thật sự. Một độ gà đá cả buổi, có khi kéo dài tới cả ngày mới kết thúc, bởi vì gà đá cựa thiệt. Chứ không như bây giờ, mấy chú trẻ toàn chồng cựa sắt, đá vài ba phút là gà đâm nhau chết. Đá gà kiểu đó mang tính cờ bạc, không còn gì là nghệ thuật nữa./.

  • Tags: