Mục đích ban hành Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phân công trách nhiệm chủ trì và trách nhiệm phối hợp giữa tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành trung ương bảo đảm thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh. Đồng bộ hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch có liên quan. Xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án gắn với nguồn lực triển khai nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh.
Nội dung chủ yếu của Kế hoạch là: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh (Dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư thực hiện Quy hoạch tỉnh và Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công).
Kế hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm Sân bay, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, hạ tầng logistics, đường sắt; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, du lịch, dịch vụ, thông tin và truyền thông.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.
Tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng chính sách đột phá để phát triển hạ tầng chiến lược, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp FDI; thúc đẩy liên kết ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư...
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng xác định thu hút, đầu tư để gia tăng mật độ, quy mô, năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là tại 2 khu vực động lực tăng trưởng của tỉnh, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng và 6 trung tâm đô thị là: đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai, đô thị Thái Hòa, đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông).
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 10,5 - 11% trong thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh Nghệ An dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng, cụ thể:
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, tỉnh Nghệ An chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển của địa phương và phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách của vùng và những đề án trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá cho phát triển tỉnh, vùng và ngành (cả nước).