Kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn

Thực hiện Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, chỉ thị số 19 của Chính phủ về triển khai các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, trong những ngày qua chúng ta đã chứng kiến nhiều chương trình kích cầu trên quy mô lớn của các bộ, ngành, địa phương.
Siêu thị Co.op Saigon hưởng ứng Chương trình đưa hàng Việt về Nông Thôn của Bộ Công Thương
Saigon Co.op hưởng ứng Chương trình đưa hàng Việt về Nông Thôn của Bộ Công Thương

 

Các chương trình này đã tạo được hiệu ứng rất cao với sự tham gia tích cực của đông đảo người dân, doanh nghiệp trong cả nước, chắc chắn sẽ  góp phần vào “nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế” như Kết luận 77 của Bộ Chính trị.

Sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp có nền tảng vững chắc từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, và việc triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Các chương trình thực hiện Đề án giai đoạn 2014 – 2020 với 3 nhóm Chương trình. Một là Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Hai là hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; và Ba là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Đối với Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, Bộ Công Thương đã áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Qua 5 năm, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% đến 95%; tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

Tuần lễ hàng Việt tại siêu thị BigC
Tuần lễ hàng Việt tại siêu thị BigC

 

Những hoạt động trong Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam hết sức phong phú từ kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới;

Cùng với đó là đào tạo kỹ năng bán hàng đã tạo dựng một môi trường sinh thái kết nối để các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau.

Đồng thời, một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, của ngành da giày chiếm khoảng 40-50%.

Triển khai thực hiện Đề án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hằng năm tăng khoảng 10%.

Nông sản Việt tại một chợ đầu mối ở Pháp
Nông sản Việt tại một chợ đầu mối ở Pháp

 

Nếu năm 2015, năm đầu tiên thực hiện Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam, nước ta nhập siêu 3,54 tỷ USD, thì từ 2016 đến 6 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế liên tục xuất siêu.

Trong 6 tháng đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, đứt gãy nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn trước bất cứ biến động nào.

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng vẫn chiếm 80,3% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Và hàng Việt, được nuôi dưỡng bởi thị trường gần 100 triệu dân đã có sức vươn lên mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng...

Không chỉ chinh phục người Việt, hiện diện trong từng ngôi nhà, ngõ xóm, mà hàng Việt đủ bản lĩnh theo chân các con tàu đi khắp các đại dương, đến với những thị trường mới, khách hàng mới, chia sẻ những xu hướng tiêu dùng mới.

 hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% đến 95%;
 Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% đến 95%

 

Nhưng điều quan trọng hơn, mỗi khi thị trường thế giới có biến động, như bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19 vừa qua, thì hàng Việt với tỷ lệ bao phủ cao đã hiện diện mạnh mẽ trên thị trường nội địa, như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế trước những con sóng bất định từ bên ngoài.

Sức sống mãnh liệt của hàng Việt đã vượt qua câu chuyện về kích cầu, về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, để trở thành một kinh nghiệm quý báu về cách thức mà một nền kinh tế phải đối mặt ra sao với những biến động từ bên ngoài.

Đà Bắc