Đây là dự án nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ, tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, định hướng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền Quốc gia.
Ngày10/11/2014, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước kết quả thực hiện Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”.
TS. Phan Ngọc Trung - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu chính của Dự ánDự án thuộc “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/3/2006 tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, Viện Dầu khí Việt Nam đã đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí” của 8 bể trầm tích (Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu - Phú Quốc, Trường Sa - Tư Chính - Vũng Mây); đánh giá tổng thể bề tiềm năng dầu khí toàn thềm và định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Trên cơ sở xử lý và minh giải một khối lượng lớn tài liệu, số liệu khảo sát địa chất - địa vật lý, Dự án đã chính xác hóa cấu trúc và xác định ranh giới giữa các bể trầm tích Cenozoic trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Cấu trúc địa chất của các bể trầm tích, đới, vùng, cấu tạo và bẫy chứa đã được chính xác hóa bằng các số liệu mới; ứng dụng công nghệ, trang thiết bị, phần mềm minh giải tài liệu hiện đại, có độ tin cậy và chính xác cao.
GS.TS. Trần Văn Trị - Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam nhận xét, phản biện về Dự án.Kết quả phân tích, đánh giá hệ thống dầu khí (đá sinh, đá chứa, đá chắn, bẫy và thời gian di cư hydrocarbon của từng đới, vùng, khu vực và bể trầm tích) là cơ sở để Dự án xác định phạm vi phân bố và phân loại các tập hợp triển vọng gồm: móng nứt nẻ trước Cenozoic, cát kết Oligocene, cát kết Miocene, carbonate Miocene, xác lập các phụ tập hợp triển vọng chi tiết (cát kết Miocene hạ, Miocene trung - thượng và Pliocene) trong một số bể trầm tích. Trên cơ sở phân tích đánh giá hệ thống dầu khí và tiềm năng, trữ lượng dầu khí, Dự án đã xác lập và phân chia khu vực nghiên cứu thành 5 cấp độ triển vọng: vùng triển vọng cao (vùng triển vọng cao thiên về dầu, vùng triển vọng cao thiên về khí), vùng triển vọng khá (vùng triển vọng khá thiên về dầu, vùng triển vọng khá thiên về khí), vùng triển vọng trung bình, vùng triển vọng thấp và vùng chưa rõ triển vọng.
Số lượng, khối lượng, các loại sản phẩm khoa học công nghệ chính của Dự án đều đạt và vượt so với Đề cương đã được phê duyệt. Dự án đã xây dựng được bộ bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 cho toàn bộ thềm lục địa và vùng biển Việt Nam, gồm: 5 bản đồ cấu tạo, 4 bản đồ đẳng dày, 2 bản đồ đá mẹ và mức độ trưởng thành, 1 bản đồ phân vùng kiến tạo, 1 bản đồ các cấu tạo triển vọng và tiềm năng dầu khí, 4 bản đồ tập hợp cấu tạo triển vọng, 1 bản đồ phân vùng triển vọng dầu khí. Đây là bộ bản đồ lần đầu tiên được xây dựng khá đồng bộ, đầy đủ và hoàn chỉnh trên cơ sở tổng hợp, liên kết hàng loạt bản đồ tương ứng ở tỷ lệ lớn hơn (1:200.000 - 1:500.000) của các bể trầm tích, định hướng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò tài nguyên dầu khí nói riêng và khoáng sản nói chung; đáp ứng yêu cầu quy hoạch và quản lý tài nguyên, môi trường biển trong thời gian tới.
Ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá kết quả nghiên cứu của Dự án.Dự án đề xuất phương hướng triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại từng khu vực cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, cần ưu tiên nguồn lực cho các vùng có triển vọng cao, triển vọng khá về dầu và khí ở các bể trầm tích trên thềm lục địa và vùng biển Việt Nam. Đối với các bể trầm tích/khu vực mới có hoạt động tìm kiếm thăm dò, chưa có mỏ/đối tượng đưa vào khai thác dầu khí, cần tập trung nghiên cứu, thu nổ địa chấn 2D, 3D bổ sung, lựa chọn tiến hành khoan thăm dò các đối tượng tiềm năng, để gia tăng trữ lượng các cấp. Đối với các bể/diện tích truyền thống, cần đẩy mạnh nghiên cứu chính xác hóa tiềm năng, khoan thăm dò bổ sung và thẩm định các diên tích/đối tượng cụ thể, nhằm gia tăng trữ lượng xác minh và sản lượng khai thác.
Theo đề xuất của Viện Dầu khí Việt Nam, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu điều tra cơ bản; khai thác, ứng dụng tổ hợp các phương pháp và công nghệ hiện đại để nghiên cứu cấu trúc nứt nẻ, quy mô phân bố bẫy chứa và đánh giá lại trữ lượng dầu khí của đá móng ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và Đông Bắc bể Sông Hồng. Phân tích định lượng, đánh giá triển vọng dầu khí bẫy phi cấu tạo và hỗn hợp ở các bể Cửu Long, Malay - Thổ Chu, lựa chọn vị trí giếng khoan thăm dò. Nghiên cứu đánh giá tích tụ khí trong trầm tích Miocene thượng, Pliocene, Pleistocene ở các bể Sông Hồng, Phú Khánh. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá lại tiềm năng dầu khí trong bẫy chứa carbonate tuổi Miocene ở phần Nam bể Sông Hồng và bể Nam Côn Sơn; nghiên cứu đánh giá các dạng bẫy chứa phi truyền thống (sét kết chặt sít nứt nẻ, tầng than chứa khí, tích tụ gas hydrate…); nghiên cứu quy luật phân bố và hàm lượng khí CO2 trong các mỏ dầu khí, các giải pháp công nghệ khai thác…
TS. Phan Ngọc Trung - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án cho biết, Kết quả nghiên cứu của Dự án đã chính xác hóa cấu trúc, làm rõ việc hình thành, tích tụ và phân bố dầu khí, lần đầu tiên xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ, tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Dự án đã cung cấp các dữ liệu phục vụ việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, các giải pháp quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên môi trường biển của Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả; góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.