Năm 2011 - 2012 xây dựng “Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 (gọi tắt là QH60), nhưng sau hơn 01 năm đã phải xem xét điều chỉnh.
Vấn đề là mỗi lần điều chỉnh quy hoạch chỉ đơn giản là cập nhật lại các dữ liệu cho phù hợp với thực tế chứ không rút ra nguyên nhân gốc rễ và bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng mới hoặc điều chỉnh quy hoạch một cách phù hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do các bất cập chính sau đây:
1. Trước hết và cơ bản nhất là tư duy và phương pháp xây dựng quy hoạch còn chưa theo kịp tư duy và phương pháp của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng. Điều đó thể hiện rõ nhất trong việc dự báo nhu cầu than. Dự báo nhu cầu than cho hàng chục năm vẫn theo cách lập kế hoạch cứng nhắc gồm phương án cao, phương án thấp, phương án trung bình, thậm chí chỉ có phương án cao và phương án cơ sở và sau đó mọi thứ được xác định theo các phương án đã định. Đó là chưa kể phương pháp dự báo nhu cầu chưa hợp lý, nhất là dự báo nhu cầu than cho sản xuất điện, vì nhu cầu điện thường được dự báo theo tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và hệ số đàn hồi năng lượng, trong khi đây luôn là những ẩn số khó xác định chính xác.
2. Phương pháp xác định trữ lượng tài nguyên than trong tương lai thiếu chắc chắn, thiếu tin cậy. Chẳng hạn theo Báo cáo kết quả giai đoạn 1 Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng than dưới mức -300m, bể than Quảng Ninh” (phê duyệt tại Quyết định số 1795/QĐ-BTNMT ngày 30/10/2013) thì tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Đông Bắc và vùng nội địa giảm 1.875.988 ngàn tấn (giảm 20,8%) so với số liệu nêu trong QH60. Như vậy, mới chỉ sau hơn 01 năm phê duyệt QH60, tài nguyên, trữ lượng than đã giảm gần 2 tỉ tấn do mức độ tin cậy thấp của số liệu báo cáo thăm dò. Đó là chưa kể trong tổng số tài nguyên, trữ lượng than huy động vào QH60 chỉ có 22% đã được thăm dò đạt cấp tin cậy và chắc chắn. Nhưng trong quy hoạch vẫn huy động cả tài nguyên và trữ lượng vào khai thác và khi xây dựng phương án sản lượng than vẫn coi tài nguyên, trữ lượng than đều chắc chắn, tin cậy như “đinh đóng cột”.
3. Chưa làm rõ và nhận thức đầy đủ, đúng đắn những đổi thay, thách thức, nguy cơ chính đối với ngành Than và an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai, đó là: (1) Điều kiện và môi trường kinh doanh đã và sẽ thay đổi cơ bản sau khi nước ta đã gia nhập WTO và hội nhập kinh tế hoàn toàn; (2) Khả năng tăng trưởng về sản lượng của ngành Than nước ta bằng công nghệ hiện có đang tiệm cận dần tới mức giới hạn năng lực sản xuất thực tế; đồng thời từ đa phần là khai thác lộ thiên và tài nguyên thuận lợi chuyển sang khai thác hầm lò và tài nguyên khó khăn là chủ yếu; (3) Thị trường than trong nước sẽ chuyển từ trạng thái cung lớn hơn cầu sang trạng thái cầu vượt cung rất lớn trong thời gian tới; (4) Thị trường thương mại than thế giới đang chuyển từ xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu sang nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nhất là trên thị trường khu vực xung quanh Việt Nam, dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt trong nhập khẩu than.
Chính vì vậy mà các quan điểm phát triển đề ra trong các quy hoạch than chưa có tầm bao quát, chủ đạo, sát thực và theo tư duy mới cho nên giữa quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện chưa nhất quán, gắn kết chặt chẽ và còn nhiều bất cập, nhất là trong việc xây dựng phương án sản lượng than và giải pháp đáp ứng nhu cầu than, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
4. Còn sơ sài, hình thức trong việc phân tích tình hình thực hiện quy hoạch trước và hiện trạng ngành Than: Chẳng hạn, phần phân tích tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than đã phê duyệt và hiện trạng ngành Than chủ yếu mới chỉ nêu tình hình sản xuất, kinh doanh than của riêng Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) trước đây và nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mà chưa đề cập trên phạm vi toàn ngành. Tuy là đơn vị sản xuất than chủ yếu, song TVN trước đây và nay TKV, là đơn vị kinh doanh đa ngành nên nhiều số liệu, chỉ tiêu không chỉ của riêng sản xuất than mà của cả các ngành sản xuất, kinh doanh khác, do đó không phản ánh đúng thực chất hiện trạng riêng ngành Than. Điều cơ bản là chưa làm rõ những bất cập và các nguyên nhân gốc rễ đã làm cho các quy hoạch trước đây chỉ sau một thời gian ngắn sau khi được phê duyệt, thậm chí vừa mới phê duyệt đã bị phá vỡ nên chưa rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết cho việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch mới.
5. Chưa tính đến nhu cầu dự trữ trong dự báo nhu cầu than: Theo dự tính trong QH60 sau năm 2015 nước ta sẽ thiếu than và phải nhập khẩu than (chủ yếu cho nhu cầu sản xuất điện) với khối lượng ngày một tăng, lên đến 50 - 60 triệu tấn sau năm 2020 (bằng tổng sản lượng than dự kiến sẽ khai thác được trong nước khi đó) và trên 100 triệu tấn đến năm 2030. Do những bất ổn trên thị trường than và thị trường dầu mỏ thế giới, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia kinh nghiệm của các nước cho thấy, trong trường hợp phải nhập khẩu than đáp ứng nhu cầu trong nước thì cần phải tính thêm nhu cầu dự trữ than một cách phù hợp; nhưng trong QH60 cũng như điều chỉnh quy hoạch lần này chưa đề cập đến nhu cầu dự trữ đó.
Ngoài ra, chưa tính nhu cầu than dự phòng cho trường hợp sản lượng thủy điện bị suy giảm do tác động của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, theo dự báo trong Quy hoạch điện 7, đến năm 2020 dự kiến sản lượng thủy điện đạt khoảng 60 tỷ kWh. Trong trường hợp mưa ít, hạn hán nhiều làm cho các nhà máy thủy điện giảm giờ vận hành nên giảm sản lượng điện; giả sử giảm 20%, tức là khoảng 13 tỷ kWh. Khi đó cần phải huy động các nhà máy nhiệt điện than chạy bù. Để đáp ứng sản lượng điện 13 tỷ kWh cần phải có khoảng 6,5 triệu tấn than cám 5. Nếu không có kho dự phòng thì không thể huy động được đầu ra một sản lượng than lớn như vậy.
6. Thiếu tầm nhìn, giải pháp và xem xét nghiêm túc về vấn đề nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than: Việc nhập khẩu hàng chục triệu tấn than mỗi năm sau này là vô cùng khó khăn, phức tạp, gấp cả nhiều lần so với khai thác mức sản lượng đó trong nước. Việc đầu tư ra nước ngoài khai thác than lại càng khó khăn hơn nhiều. Trong khi để khai thác được mức sản lượng than hiện nay chúng ta đã phải trải qua hơn 50 năm. Do vậy, việc điều chỉnh QH60 lần này cần đề ra các nhiệm vụ phải khẩn trương triển khai ngay sau khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt như sau: (1) Tổ chức điều tra, nghiên cứu thị trường than có thể đầu tư khai thác và nhập khẩu trong tương lai và xây dựng chiến lược, kế hoạch lâu dài cho việc thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường; (2) Trên cơ sở nhu cầu và tiến độ nhập khẩu than trong tương lai, cần triển khai lập quy hoạch xây dựng hệ thống các cảng biển có thể đón nhận các tàu chở than tải trọng lớn, xác định địa điểm hợp lý các cơ sở công nghiệp sử dụng than nhập khẩu, nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy than và hệ thống đường sắt nối liền các cảng biển với các cơ sở công nghiệp đó; (3) Xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài để khai thác than.
7. Điều quan trọng nữa là, chưa lồng ghép các nội dung, quy định cần thiết của chiến lược, quy hoạch chung của quốc gia cũng như các quy hoạch của địa phương có liên quan vào quy hoạch phát triển than. Cụ thể là đến nay, mặc dù Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Chiến lược về quản lý tổng hợp chất thải rắn, Chiến lược tăng trưởng xanh... nhưng trong các quy hoạch phát triển than, kể cả QH60 vẫn chưa đề cập và cụ thể hóa những vấn đề này cho ngành Than.
Việc khắc phục các bất cập nêu trên là hết sức cấp thiết để nâng cao chất lượng quy hoạch và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển than nhằm đảm bảo quy hoạch thực hiện được vai trò là công cụ quan trọng định hướng phát triển ngành Than trong dài hạn.