An toàn thực phẩm: Thiếu, yếu do chưa có trường lớp đào tạo

Vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã đuợc 10 năm nhưng việc quản lí chất lượng VSATTP vẫn còn rất nhiều bất cập và hạn chế, mà nguyên nhân
Theo GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) - bộ Y tế, thực hiện nghị định 79/2008/NĐ-CP của Chính Phủ, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập chi cục VSATTP trực thuộc sở Y tế. Số cán bộ mỗi chi cục trung bình là 11 người.

Một giờ thực hành của sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm trường Đại học nông nghiệp HN (Ảnh: Minh Cường)

Tại tuyến huyện, số cán bộ tham gia quản lí chất lượng ATTP của cả nước là 1.949 người (trung bình là 3 người/huyện). Ở cấp xã, ước tính cả nước số người tham gia QLCL và ATTP là 11.516 người (trung bình là 1,05 người/xã) không chuyên trách nên không được trả lương vì hiện tại cấp xã không được giao chức năng quản lí về ATTP. 

Theo báo cáo của Cục VSATTP, 10 tháng đầu năm 2010 có 167 vụ ngộ độc thực phẩm trong đó có 45 vụ ngộ độc lớn (trên 30 người). Có 26 ca tử vong do độc tố tự nhiên, 15 ca tử vong do hóa chất. 40% ngộ độc thức ăn từ thực phẩm hỗn hợp, 10% ngộ độc thức ăn từ thịt, 16,8% ngộ độc từ nấm, 3% ngộ độc do rau và sản phẩm rau. Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm nghiệm ATVSTP rất phức tạp nên đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ kĩ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, báo cáo của Cục VSATTP cho thấy chỉ có 1/63 Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc TW có khả năng kiểm nghiệm dư lượng kháng sinh; 3/63 tỉnh có khả năng kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 8/63 tỉnh có khả năng kiểm nghiệm độc tố vi nấm; 30% số tỉnh kiểm nghiệm được thành phần dinh dưỡng của thực phẩm và 100% số tỉnh chưa kiểm nghiệm được chất bảo quản, chất chống ôxy hóa.

PGS.TS Phạm Ngọc Khái, phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình cho biết 40 - 85% cán bộ ATTP không được đào tạo chuyên môn. Không có bất kỳ nhà nghiên cứu hay cán bộ làm công tác ATTP hiện nay có bằng đại học về ATTP do các trường đại học Việt Nam cấp.

TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, sở dĩ nguồn nhân lực làm công tác VSATTP vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn như hiện nay là do trên thực tế nước ta chưa có bất kì một trường đại học, cao đẳng hay viện nghiên cứu nào đào tạo chuyên ngành khoa học Quản lí chất lượng và VSATTP. Đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm công việc này chủ yếu thuộc các chuyên ngành khoa học khác có liên quan như y dược, công nghệ thực phẩm, môi trường, sinh- hóa…

PGS.TS Đinh Xuân Chỉnh, phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng đã đến lúc các bộ ngành liên quan cùng phối hợp với một số trường Đại học để mở một chuyên ngành riêng về khoa học Quản lí chất lượng và VSATTP.