Đề án hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020.

Với mục tiêu khai thác tiềm năng sẵn có, phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ…

UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Đề án hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và công nhận 03 làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; dệt thổ cẩm Chung Mỹ và gốm Bàu Trúc.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ hình thành và phát triển 35 làng nghề (29 làng nghề tiểu thủ công nghiệp; 6 làng nghề sản xuất nông nghiệp), xây dựng thương hiệu 24 sản phẩm (14 thương hiệu sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; 10 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp). Xây dựng ở mỗi huyện, thành phố từ 3 đến 5 làng nghề, từ 2 đến 3 thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu để có phương án hỗ trợ cho người dân làng nghề về giống, vốn, kỹ thuật và một phần cơ sở hạ tầng. Qua đó sẽ tạo việc làm mới cho 15.000 lao động, nâng mức thu nhập bình quân đạt 2,8 đến 3 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020.

Mục tiêu phát triển đến năm 2015 của tỉnh là tập trung vào các sản phẩm gắn với làng nghề như: đũa Sông Mỹ (Ninh Sơn); dệt chiếu cói (Ninh Phước); đan lát mỹ nghệ (Thuận Bắc); thủ công mỹ nghệ (Bác Ái); chế biến nước mắm (thành phố Phan Rang- Tháp Chàm; Ninh Hải; Thuận Nam); nuôi chim Yến (thành phố Phan Rang- Tháp Chàm); Thuốc nam người Chăm (Ninh Hải)…Đồng thời xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm: Nước mắm Đông Hải, Nước mắm Cà Ná, Mực một nắng Cà Ná, Cá cơm Mỹ Tân, Rượu cần Phước Trung, Tỏi Phan Rang, Hành ta Nhơn Hải, Rau an toàn Văn Hải…