Hội nghị được tổ chức trong thời điểm khi nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào vụ thu hoạch các sản phẩm trái cây như nhãn, vải, mận ở miền Bắc; nho, dưa hấu, thanh long ở miền Nam;… nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc phát triển và khai thác thị trường cho mùa vụ năm nay cũng như xây dựng kế hoạch cho sản phẩm mùa vụ sau.
Nông sản Việt Nam gặp trở ngại khi vào vụ thu hoạch ồ ạt
Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại cho biết, từ đặc điểm của nền kinh tế sở hữu nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với phần đông nguồn lực tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông sản và các sản phẩm nông sản được xác định, vừa là nguồn lương thực quan trọng trong nước và sinh kế của người dân, vừa là ngành hàng chiến lược trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong những năm trở lại đây, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam không ngừng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, xuất khẩu bền vững, giảm tỷ trọng các mặt hàng chưa qua chế biến, đẩy mạnh chế biến chuyên sâu và nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.
Ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới…
Chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt.
Hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu đang và sắp vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… và sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt.
Vì vậy, để hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc phát triển và khai thác thị trường cho mùa vụ năm nay cũng như xây dựng kế hoạch cho sản phẩm mùa vụ sau, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài tháng 05 năm 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ” để tập trung tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản mùa vụ của các địa phương, doanh nghiệp từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường.
Nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường
Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tiếp tục điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng hết sức ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2024 đạt 32.81 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ ước tính xuất siêu 8.01 tỷ USD.
Dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt, để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,...
Tại thị trường Hoa Kỳ, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, trái cây nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định và đạo luật, cụ thể như đạo luật bảo vệ thực vật, đạo luật hiện đại hoá an toàn thực phẩm, đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm, chương trình bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải đăng ký cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu và đăng ký đại diện tại Hoa Kỳ để làm đầu mối liên lạc.
Mặt khác, vùng trồng và chế biến trái cây phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn như Global GAP, ISO, HACCP, USDA,… và phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký tại Hoa Kỳ; không nhiễm các loại vi sinh vật hay vi khuẩn, nấm mốc; quá trình thu hoạch phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.
Thương vụ kiến nghị đối với các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng trái cây mùa vụ: (i) nâng cao giá trị của trái cây mùa vụ, bổ sung các sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp có thể tiêu thụ quanh năm, có thời gian bảo quản lưu trữ lâu; (ii) ứng dụng công nghệ mới để kéo dài thời gian bảo quản trái cây như công nghệ đưa trái cây vào trạng thái “ngủ đông”, bảo quản tế bào sống hay sử dụng chế phẩm sinh học màng bọc chất bảo quản được phép để kéo dài thời gian bảo quản trái cây; (iii) xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản đồng bộ có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á.
Tại thị trường EU, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Văn Công cho biết, trừ mặt hàng dừa, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa thật sự tham gia sâu vào thị trường EU. Phần lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam mới chỉ tiếp cận được với các chuỗi cửa hàng châu Á, chưa thể đi vào được các kênh phân phối lớn, chính thống của EU.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết thêm, xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung rất khó cạnh tranh tại thị trường EU do độ bền vững cũng như quy mô của sản lượng nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây, rau quả tươi chưa đủ để có thể có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn của EU.
Tại thị trường Thái Lan, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan Lê Hữu Phúc cho biết, nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định về chất lượng cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm khi tiếp cận thị trường Thái Lan.
Ngoài trái cây tươi, Thái Lan có nhu cầu nhập khẩu rất lớn về rau củ, đặc biệt là những mặt hàng mà quốc gia không sản xuất được hoặc sản xuất ít như cà rốt, khoai tây, và nhiều loại rau thơm,… vì vậy, cơ hội thâm nhập thị trường Thái Lan cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam là tương đối cao.
Tại Hội nghị, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu các ý kiến, đề nghị với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về hỗ trợ thông tin thị trường cụ thể, về các giải pháp liên quan đến xúc tiến thương mại để hỗ trợ các nhà cung ứng nông sản mùa vụ khai thác thị trường tiêu thụ, giảm tải các khó khăn về thị trường khi vào vụ thu hoạch, đồng thời đề nghị các cơ quan thương vụ chia sẻ thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu, các cơ hội xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản mùa vụ tại các thị trường nước ngoài hoặc kinh nghiệm các nước xuất khẩu nông sản mùa vụ vào thị trường nước sở tại, các khuyến nghị đối với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường cho nông sản mùa vụ.
Chủ động kế hoạch xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ một cách thiết thực
Kết luận tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đề xuất một số nhiệm vụ nhằm xúc tiến xuất khẩu cho nông sản mùa vụ một cách thiết thực, cụ thể:
Đề nghị các địa phương, Hiệp hội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình các sản phẩm nông sản mùa vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ; đồng thời, tích cực trao đổi với các cơ quan thương vụ để tìm kiếm nhà nhập khẩu.
Tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời cập nhật thông tin, theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường xuất khẩu, chủ động nắm bắt thông tin thị trường và có kế hoạch tiêu thụ, tăng cường sự liên kết trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất để tránh tình trạng gia tăng diện tích, sản lượng ồ ạt, gây rủi ro cho người canh tác.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất theo hướng bền vững, chú trọng nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, khai thác các kênh thương mại điện tử một cách hiệu quả.
Chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại cho nông sản mùa vụ để tránh bị động về thị trường khi vào mùa thu hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, tiêu thụ nông sản mùa vụ một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, đề nghị phía doanh nghiệp, chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, hướng dẫn các nhà sản xuất cung ứng sản xuất theo yêu cầu và thị hiếu của thị trường; tích cực chủ động đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản mùa vụ. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương, các Hiệp hội, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp xúc tiến xuất khẩu cho nông sản mùa vụ, đặc biệt là rau củ và trái cây một cách thiết thực.
Ngoài ra, ông Vũ Bá Phú cũng đề nghị các Vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong công tác nghiên cứu thông tin, dự báo thị trường, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản vào vụ, tạo điều kiện cho địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp xây dựng chiến lược thị trường phù hợp và hiệu quả.
Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hiệp hội xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu; qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân mở rộng thị trường, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đang đến vụ.