Khai thác hiệu quả hơn nữa các FTA, tăng tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt

Việc khai thác có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu tuyệt đối của các doanh nghiệp nội tăng cao hơn so với mức tăng của doanh nghiệp FDI.

Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin và trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) và những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong tình hình mới hiện nay.

bộ trưởng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu thông qua khai thác hiệu quả các FTA

Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 04/6, báo cáo nhanh về nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Công Thương tại Kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Đến nay, Việt Nam có 16 FTA đã đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác (hầu hết là những nền kinh tế lớn), phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Để đạt được kết quả đó, Ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp và người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp.

Việc khai thác có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng; xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài...

xuất khẩu FTA
Việc khai thác có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững trước mắt cũng như trong dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết:

Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ hơn những quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã là thành viên để có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định này.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp với các diễn biến thực tế và kinh nghiệm quốc tế.

Thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tỷ trọng xuất khẩu, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định giá cả cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, kết nối chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp trong nước để phát triển ngành này.

Thứ ba, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và đẩy mạnh phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử. Tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định liên kết kinh tế mới để khai mở thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Cuối cùng, tăng cường hỗ trợ thông tin, cảnh báo và hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.

Đẩy mạnh, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp nội

Cũng liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH Hải Dương đặt câu hỏi về giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đối với hàng hoá của các doanh nghiệp trong nước để cân bằng tỷ trọng xuất khẩu, trong khi hiện nay phần lớn tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Các doanh nghiệp FDI hiện nay đang chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của nước ta, khoảng trên dưới 73%.

Theo Bộ trưởng, thực tế này có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, công nghệ, thương hiệu và mạng lưới phân phối từ nhiều năm trước đây. Trong khi đó các doanh nghiệp của chúng ta nguồn lực thì hạn chế, bên cạnh đó cũng mới chỉ đang từng bước thâm nhập vào thị trường.

Thứ hai, các doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nên giá trị luôn vượt trội so với nhóm hàng nông sản của các doanh nghiệp trong nước chúng ta. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cũng là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn đầu, bởi vì chỉ có thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI thì chúng ta mới có điều kiện để hội nhập, để học tập kinh nghiệm về quản trị, chuyển giao về công nghệ cũng như là tiếp cận với thị trường.

Mặc dù vậy, mục tiêu của chúng ta hội nhập không phải chỉ là đo đếm bằng các Hiệp định thương mại tự do hay là đo đếm bằng các dự án mà nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kể cả là đo đếm bằng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên hàng năm mà thước đo ở đây phải đo bằng sức khoẻ của nền kinh tế đất nước, bằng sự hội nhập của chính các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây là mục tiêu lớn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nội của chúng ta trong thời gian qua đã vươn lên hội nhập khá tốt nhờ có sự tiếp cận và liên kết với các doanh nghiệp này. Bằng chứng là năm 2023 tỷ trọng xuất khẩu trong các doanh nghiệp này thì khu vực doanh nghiệp nội giảm thấp hơn so với các doanh nghiệp ngoại. Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tuyệt đối của các doanh nghiệp nội tăng gấp 2 lần, khoảng 24%, trong khi đó, mức tăng của doanh nghiệp ngoại là 12%.

"Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp của chúng ta đang từng bước vươn lên để chiếm lĩnh thị trường này, khai thác được những lợi thế mà Việt Nam đang có, đó là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do, được hưởng những cơ chế ưu đãi từ các hiệp định mang lại", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng được tỷ trọng xuất khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh với hàng của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thúc đẩy các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn kết nối chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp trong nước để phát triển, nhất là những ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi, các Hiệp định FTA, phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định mới ở những khu vực còn nhiều tiềm năng. Hỗ trợ thông tin, cảnh báo, hướng dẫn doanh nghiệp có thể ứng phó với những vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài một cách hiệu quả…

Việt Hằng