AKFTA và VKFTA
FTA song phương và FTA đa phương ASEAN+1 được Việt Nam khai thác có sự cộng hưởng tích cực. Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) có hiệu lực từ năm 2007. Đây là FTA đa phương giữa Asean với một nước bên ngoài khối.
Trong những năm đầu thực hiện AKFTA, tác động của Hiệp định đối với sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc không mấy ấn tượng. Lấy mốc năm 2007 là năm bắt đầu thực hiện AKFTA, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc 1,2 tỷ USD, năm 2008 tăng thêm 500 triệu USD, năm 2009 tăng thêm 300 triệu USD.
Nhưng đó lại là quãng thời gian quý báu để các doanh nghiệp nước ta có kinh nghiệm thực tiễn về xuất khẩu sang thị trường FTA. Đó không chỉ là cơ hội giảm thuế mà còn phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện để vượt qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại; gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.
Có được kinh nghiệm quý giá này, sự triển khai Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội tốt hơn.
Năm 2016, năm đầu tiên thực thi VKFTA, xuất khẩu sang Hàn Quốc 11,42 tỷ USD, năm 2017 đạt 14,82 tỷ USD, tăng 3,4 tỷ USD tương ứng với mức tăng 29,7%. Đây được coi là một FTA triển khai sau 1 năm có hiệu quả nhất của Việt Nam. Hiệu quả của Hiệp định được duy trì khi năm 2020, xuất khẩu sang Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh với trên 19 tỷ USD, gấp 1,8 lần so với 4 năm trước. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9%. Năm 2022, thương mại 2 chiều Việt Nam-Hàn Quốc đạt gần 87 tỷ USD, tăng gần 9 tỷ USD so với mức 78,1 tỷ USD của năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt 24,2 tỷ USD, tăng 10,2%, nhập khẩu 62,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ,
Quan trọng hơn, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi. Năm 2021, tỷ lệ này đạt 51% với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu được cấp C/O trên 10 tỷ USD. Năm 2022, Năm 2022, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu khi doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi 51,2% với kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng C/O đạt gần 12,4 tỷ USD.
Việc sử dụng khá tốt và ổn định các ưu đãi từ AKFTA, VKFTA là do doanh nghiệp đã nắm vững quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc; quy tắc xuất xứ của AKFTA và VKFTA tương đối linh hoạt; hàng hóa sản xuất xuất khẩu có thể đáp ứng tiêu chí để được cấp C/O mẫu AK và VK. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc và áp dụng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu sang Hàn Quốc.
AJCEP và VJEPA
Đối với Nhật Bản, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ ngày 1/12/2008. AJCEP bao gồm các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Một năm sau, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009.
Phối hợp giữa AJCEP và VJEPA giúp cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản tăng bình quân 10% mỗi năm kể từ 2009 đến nay. Năm 2021, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều lên trên 42 tỷ USD, chiếm trên 6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản trong đều thuộc hàng công nghiệp chế biến chế tạo: Hàng dệt may đạt 4,07 tỷ USD, chiếm 16,8% tỷ trọng xuất khẩu, tăng 25,8%. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,6%, chiếm 11,4%. Tiếp sau là nhóm mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 10,4% tỷ trọng…
Với 2 FTA song phương và ASEAN+1 đa phương với Nhật Bản, tỷ lệ các doanh nghiệp nước ta tận dụng ưu đãi đạt mức khá cao. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng C/O theo FTA đa phương Asean- Nhật Bản và FTA song phương Việt-Nhật chiếm 37%, chỉ sau thị trường Hàn Quốc.
Một điểm nhấn lớn trong quan hệ thương mại Việt Nam Nhật Bản là cơ cấu hàng xuất khẩu. Những năm đầu thực thi FTA, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là may mặc, giày dép, nông lâm thủy sản. Từ 2016 trở lại đây, mỗi năm lại điểm thêm những mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm 2022, trong 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Nhật Bản chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu, thì trừ thủy sản, còn lại 9 mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, như phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị và phụ tùng; sắt thép; chất dẻo nguyên liệu; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản đều có đặc điểm chung: Bắt đầu từ FTA đa phương Asean +1, từ đó phát triển thành các FTA song phương. Sự bổ xung FTA song phương và đa phương giúp quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản có 2 điểm giống nhau. Một là doanh nghiệp Việt Nam tận dụng rất tốt ưu đãi thuế quan thông qua tỷ lệ C/O. Hai là xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản có sự dịch chuyển rõ nét từ nhóm hàng khai thác tài nguyên sang hàng công nghiệp chế biến chế tạo
2 đặc điểm này có được là do các FTA nói trên bên cạnh việc giảm thuế còn mở cửa cho đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam có chiến lược xuất khẩu qua các kênh phân phối nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Năm 2016, Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Lotte mart Việt Nam thực hiện Chương trình Kết nối Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VK Conect), tổ chức đưa hàng Việt tới nhiều siêu thị bán lẻ tại thị trường Việt Nam và Hàn Quốc. Bộ Công Thương cũng ký với Tập đoàn bán lẻ AEON Nhật Bản, lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam, Nhật Bản và các nước khu vực làm mục tiêu, hướng đến kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam tại hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Trong thời gian tới, điều vô cùng thuận lợi là dư địa của các thị trường FTA còn rất nhiều. Cụ thể, với Nhật Bản, xuất khẩu Việt Nam mới chiếm 2,8%; xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 3% dung lượng thị trường. Do đó, sự bổ xung, cộng hưởng FTA song phương và đa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc còn tiếp tục được duy trì với tốc độ tăng trưởng cao.