Vào thời điểm khủng hoảng tiền tệ Đông Á 1997 - 1998, hoạt động ngoại thương nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đây cũng là năm chính sách xuất nhập khẩu có bước đột phá mạnh mẽ, với Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu nhập khẩu, gia công và đại lý mua, bán hàng hóa với nước ngoài.
Nghị định 57/1998/NĐ-CP đã xóa bỏ nhiều rào cản trước đó như chế độ giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng hơn, tạo ra sự chuyển biến về chất cho cơ chế xuất nhập khẩu, tôn trọng quyền kinh doanh và quyền tự chủ của doanh nghiệp, giảm thiểu cơ chế xin – cho.
Hầu hết hàng hóa được làm thủ tục xuất nhập khẩu trực tiếp tại hải quan, chỉ chịu sự điều tiết về thuế; đối với biện pháp phi thuế chỉ còn áp dụng đối với một số lượng rất ít mặt hàng. Hàng hóa xuất khẩu theo hạn ngạch chỉ có 2 mặt hàng là gạo và hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường có hạn ngạch (theo hạn ngạch của nước ngoài). Các hàng hóa khác nhập khẩu không bị áp dụng hạn ngạch.
Nhờ khai thông vấn đề quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, xóa bỏ giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, tháo bỏ các rào cản, tăng cường các biện pháp khuyến khích, đặc biệt là các biện pháp tài chính, nên số lượng các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tăng lên nhanh chóng qua các thời kỳ.
Năm 1998 có 2.800 đơn vị trực tiếp xuất nhập khẩu, nhưng đến năm 2000 đã có khoảng trên 12.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phân kinh tế tham gia, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn FDI. Kim ngạch xuất khẩu năm 1999 đã tăng 23,3% so với năm 1998, năm 2000 tăng 25,4% so với năm 1999.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng của các nhóm hàng đã qua chế biến tăng dần. Hàng nguyên liệu thô năm 1996 chiếm trên 70%, đến năm 2000 còn khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hàng chế biến, trong đó có cả hàng chế tạo, năm 1996 chỉ chiếm khoảng trên 20%, đến năm 2000 đã lên khoảng 40%.
Đồng thời, có sự gia tăng nhanh chóng của những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, gạo, hàng điện tử, máy tính, hàng dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy sản, cà phê, hạt điều... Năm 1996, có 2 mặt hàng dầu thô và dệt may vượt mức 1 tỷ USD, đến năm 2000 đã có 4 mặt hàng vượt qua mức 1 tỷ USD là dầu thô, hàng may mặc, giày dép và thủy sản. Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2000 đạt 184,2 USD, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền ngoại thương kém phát triển.
Thị trường xuất khẩu được mở rộng và chuyển hướng tích cực. Từ chỗ chỉ tập trung vào thị trường Đông Âu những năm 1986 - 1991 đã chuyển sang thị trường các nước Đông Nam Á và EU, tỷ trọng thị trường EU tăng nhanh trong giai đoạn 1996 - 2000. Năm 1996, xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 1.177,5 triệu USD chiếm 24,4%, đến năm 2000 đạt 2.619 triệu USD, chiếm 18%. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường EU đã tăng từ 16,1% năm 1996 (1.174,6 triệu USD) tăng lên 19,6% năm 2000 (2.845,1 triệu USD). Quan hệ buôn bán với các nước châu Đại Dương được mở rộng. Năm 1996, xuất khẩu sang Australia mới đạt 64,8 triệu USD, đến năm 2000 đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD (1.272,5 triệu USD)346.
3 năm sau Nghị định 57/NĐ-CP ra đời, với sự tham mưu, đề xuất của Bộ Thương mại, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2001/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/1998/NĐ-CP và Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 về cơ chế quản lý xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005.
Nghị định số44/2001/NĐ-CP và Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg đã tạo một cơ chế quản lý xuất nhập khẩu rõ ràng, minh bạch, ổn định trong thời gian 5 năm, với 3 danh mục: Hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại và hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo các quy định quản lý chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất - kinh doanh; cho công tác quản lý nhà nước, công bố rõ ràng lộ trình bãi bỏ giấy phép của Bộ Thương mại.
Nghị định số 44/2001/NĐ-CP và Nghị định số 57/1998/NĐ-CP đã tạo quyền chủ động cho các chủ thể tham gia xuất nhập khẩu, từ chỗ phải có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu với những điều kiện rất chặt chẽ về vốn lưu động, về loại hình kinh doanh, sản xuất, về kinh tế quốc doanh hay ngoài quốc doanh… đến chỗ mọi thương nhân Việt Nam đều có quyền xuất nhập khẩu không cần giấy phép, mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp FDI, của chi nhánh công ty nước ngoài, huy động các thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động xuất khẩu.
Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg đã điều chỉnh lại danh mục hàng hóa cấm xuất, cấm nhập cho phù hợp hơn, loại bỏ ngay một số hàng nhập khẩu ra ngoài danh mục hàng nhập khẩu có giấy phép, đồng thời xác định lộ trình loại bỏ giấy phép đối với các mặt hàng nhập khẩu thời kỳ 2001 - 2005. Xác định các nguyên tắc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quản lý chuyên ngành; áp dụng các biện pháp quản lý mới phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, như: hạn ngạch thuế quan, thuế chống phá giá, chống trợ cấp…
Những chính sách ấy đã tác động tích cực đến hoạt động ngoại thương mà trước hết được thể hiện ở kim ngạch xuất nhập khẩu những năm 2001 - 2010. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 ước tính đạt gần 157 tỷ USD, gấp trên 5,2 lần năm 2000, trong đó xuất khẩu đạt 72,2 tỷ USD, gấp trên 5 lần; nhập khẩu 84,8 tỷ USD, gấp gần 5,4 lần.
Trong những năm 2001 - 2010, bình quân mỗi năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 18%, trong đó xuất khẩu tăng 17,4%; nhập khẩu tăng 18,4%. Với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân mỗi năm 17,4%, gấp gần 2,4 lần tốc độ tăng GDP, đất nước đã hoàn thành mục tiêu đưa “nhịp độ tăng xuất khẩu gấp trên 2 lần nhịp độ tăng GDP” đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 (Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).