Hội nghị có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các địa phương; các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; các Tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng; các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực năng lượng; các tổ chức nước ngoài và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Ngày 7/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quan điểm phát triển
Chiến lược nêu rõ 5 quan điểm phát triển năng lượng hydrogen nước ta gồm:
(i) Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen phải đảm bảo tính kế thừa và thống nhất với Chiến lược, Quy hoạch năng lượng quốc gia và các Chiến lược và Quy hoạch có liên quan khác, có tính động và mở để thích ứng với bối cảnh và tình hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới.
(ii) Phát triển sản xuất năng lượng hydrogen theo chuỗi giá trị gồm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế hydrogen.
(iii) Phát triển sản xuất năng lượng hydrogen với lộ trình hợp lý, gắn với lộ trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
(iv) Khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng chính sách, cơ chế ưu đãi phù hợp để thúc đẩy sử dụng năng lượng hydrogen trong các lĩnh vực như: sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp (thép, hóa chất, lọc dầu,...).
(v) Tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen.
Mục tiêu và định hướng phát triển
Chiến lược cũng đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cụ thể, về sản xuất năng lượng hydrogen, Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn nhiên liệu khác có sử dụng CCS/CCUS tại Việt Nam.
Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.
Định hướng đến năm 2050, tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn nhiên liệu khác có sử dụng CCS/CCUS tại Việt Nam.
Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Về sử dụng năng lượng hydrogen, đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen phù hợp và đồng bộ với lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại và dân dụng.
Triển khai áp dụng thử nghiệm năng lượng có nguồn gốc hydrogen trong một số lĩnh vực có khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu (sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp) phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống và giá thành hợp lý.
Định hướng đến năm 2050, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen xanh và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng (sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp) để khử các-bon nền kinh tế hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050.
Hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh với các dạng năng lượng khác.
Phấn đấu tỷ trọng năng lượng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.
Về tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen, Chiến lược xác định giai đoạn đến năm 2030 nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng phục vụ tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen.
Nghiên cứu xây dựng thí điểm các trung tâm/cơ sở sản xuất thiết bị chuyên dụng phục vụ vận chuyển, tồn trữ, phân phối năng lượng hydrogen.
Nghiên cứu xây dựng thí điểm các hệ thống phân phối năng lượng hydrogen cho lĩnh vực giao thông.
Định hướng đến năm 2050, phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng tồn trữ, phân phối và sử dụng hydrogen với quy mô thị trường khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm.
Triển khai mở rộng và hoàn thiện các hệ thống phân phối hydrogen cho lĩnh vực giao thông trong phạm vi cả nước phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Về xuất khẩu năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào về năng lượng tái tạo, khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh và hiệu quả kinh tế.
Định hướng đến năm 2050, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
Tại Chiến lược đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen: (1) về cơ chế, chính sách; (2) về đầu tư, tài chính; (3) về khoa học công nghệ; (4) về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (5) về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; (6) về hợp tác quốc tế; (7) về truyền thông.
Để triển khai Chiến lược có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành, trong đó:
Bộ Công Thương: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai Chiến lược; tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung Chiến lược; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng có nguồn gốc từ hydrogen; theo dõi, đôn đốc thực hiện các dự án năng lượng có nguồn gốc từ hydrogen theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng hydrogen.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì xây dựng chương trình khoa học và công nghệ quốc gia và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng các-bon.
Nhiệm vụ cụ thể cũng được phân công cho các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; UBND cấp tỉnh; các Tập đoàn, doanh nghiệp ngành năng lượng.