Với sự tham gia của đại diện Chính phủ, các chuyên gia trong nước, quốc tế, các nhà nghiên cứu từ các học viện, đại diện doanh nghiệp… Hội thảo hướng đến mục tiêu là đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu năng lượng sạch của Việt Nam, trọng tâm là đánh giá tiềm năng phát triển hydro xanh cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.
Báo cáo tại Hội thảo đã đưa ra 3 kịch bản sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo đồng thời đánh giá năng lực sản xuất tiềm năng và chi phí bình quân cho hydro quy dẫn (LCOH). Báo cáo cũng đưa ra phân tích kinh tế và thống kê dựa trên dữ liệu mới nhất về dự báo điện trong nước và điện tái tạo, ước tính nhu cầu hydro và amoniac xanh tại thời điểm hiện tại và tương lai, cũng như các cuộc thảo luận về chính sách quốc gia và khung pháp lý cần thiết để phát triển hydro xanh.
Nhiều tiềm năng phát triển Hydro xanh tại Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ
Trình bày những phát hiện của đánh giá toàn diện này về sản xuất hydro xanh và những ứng dụng tiềm năng tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển Bền vững, Viện Năng lượng cho biết: với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam và công suất năng lượng tái tạo ngày càng tăng, hydro xanh hứa hẹn là nhân tố đóng góp quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Ông Thắng cũng mong muốn những nghiên cứu được trình bày sẽ cung cấp thông tin có giá trị cho các quyết định chính sách, hình thành các quy định và hướng dẫn các khoản đầu tư trong tương lai vào việc phát triển hydro xanh.
Nghiên cứu của Viện Năng lượng trình bày tại Hội thảo cho thấy, sử dụng hydro xanh có thể giảm 3,9 triệu tấn CO2 vào 2030 và nâng lên 363,8 triệu tấn CO2 vào 2050, do đó cần đẩy nhanh quá trình sản xuất loại năng lượng này ở Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất và sử dụng hydro xanh là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam.
Viện Năng lượng cũng cho thấy, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ là vùng được đánh có nhiều tiềm năng nhất để sản xuất loại năng lượng này, bởi đây là 2 vùng có thuận lợi về đất đai, nguồn nước và thuận tiện khi xuất nhập khẩu hydro xanh.
Đặc biệt các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió, các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và giá điện FiT đã thúc đẩy phát triển mạnh các dự án điện mặt trời và điện gió các năm qua, đặc biệt ở hai vùng này.
Theo Viện Năng lượng, “Hai vùng này là nơi tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm như lọc hóa dầu, sản xuất điện, hóa chất, phân bón… Đây là nơi tiêu thụ sản phẩm hydro xanh tiềm năng. Do đó, có sự thuận lợi trong việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng hydro xanh nhờ ưu điểm về khoảng cách, cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối, lưu chứa…
Các khuyến nghị từ UNDP
Để giải quyết vấn đề tiềm năng sản xuất hydro xanh từ quá trình điện phân nước tại Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Đầu tiên, nghiên cứu và phát triển là rất quan trọng để xác định tiềm năng các trường hợp sử dụng tiềm năng, tiềm năng khử cacbon, nâng cao hiệu quả, và giảm chi phí các công nghệ sản xuất hydro xanh, đặc biệt là sự cần thiết sử dụng hydro xanh và amoniac xanh trong các lĩnh vực khác như giao thông vận tải và các ngành công nghiệp như thép và hóa chất ở Việt Nam.
Hai là, phát triển của hydro xanh sẽ đòi hỏi một khung chính sách và quy định rõ ràng với những nỗ lực phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp, học viện và xã hội dân sự để thực hiện quá trình chuyển đổi từ nguyên liệu thô có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.
Ba là, điều quan trọng là phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất, lưu trữ và phân phối hydro xanh một cách an toàn tại Việt Nam. Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió".
Tuy nhiên Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cũng đồng thời nhấn mạnh rằng “cần đảm bảo các máy điện phân được đặt tại hoặc gần các cơ sở năng lượng tái tạo của bất kỳ dự án hydro xanh chuyên dụng nào. Hydro phải được lưu trữ trong một hệ thống vật lý hoặc dựa trên vật liệu, mỗi hệ thống có các đặc tính khác nhau."