“Xanh hóa” Dệt May cần những chính sách đặc thù để gỡ các điểm nghẽn
22/05/2023 lúc 15:00 (GMT)

“Xanh hóa” Dệt May cần những chính sách đặc thù để gỡ các điểm nghẽn

Ngành dệt may đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu cho cả năm 2023 là 43,5 tỷ USD. Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại khi bức tranh xuất khẩu còn tiếp tục bất lợi, thì có thể khó đạt được. Tuy nhiên, điều quan trọng hướng tới mục tiêu dài hạn đối với ngành Dệt may Việt Nam hiện nay chính là phải “xanh hóa” sản xuất, không chỉ góp phần giúp Ngành giảm phát thải mà đồng thời giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh nhất là tại các thị trường xuất khẩu lớn.

Năm 2023 ngành Dệt May đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu cho cả năm 2023 là 43,5 tỷ USD. Theo nhiều chuyên gia trong bối cảnh hiện tại khi bức tranh xuất khẩu còn tiếp tục bất lợi, thì mục tiêu có thể khó đạt được. Tuy nhiên điều quan trọng hướng tới mục tiêu dài hạn đối với ngành dệt may Việt Nam hiện nay chính là phải “xanh hóa” sản xuất, không chỉ góp phần giúp Ngành giảm phát thải mà đồng thời giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh nhất là tại các thị trường xuất khẩu lớn. Tạp chí Công Thương đã có những trao đổi với ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam xung quanh nội dung này.

PV: Cuối năm 2022 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 (Chiến lược), được biết gần đây Vitas cũng đã đưa ra dự thảo về triển khai chiến lược phát triển Ngành Dệt May theo quyết định 1643/QĐ TTg ngày 29/12/2022 vậy xin ông cho biết những nội dung trọng tâm mà chương trình này hướng tới là gì? 

Ông Vũ Đức Giang: Cuối năm 2022 Chiến lược được phê duyệt với các mục tiêu cụ thể được nhìn nhận sẽ tạo động lực lớn để ngành dệt may tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, tận dụng tốt các lợi thế hiện có, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế từ khoảng 5 năm trước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đưa ra mô hình phát triển bền vững gồm 3 trụ cột là: Profit (lợi nhuận), People (người lao động) và Planet (môi trường).

Cụ thể, lợi nhuận là mục tiêu hướng tới của tất cả các DN. Giải pháp VITAS đưa ra đối với trụ cột này là chủ động nguồn nguyên phụ liệu, phát triển thương hiệu, quản lý rủi ro, giảm chi phí, tăng trưởng kinh doanh và có lãi. Hiệp hội cũng xác định người lao động là tài sản quý nhất của DN. Do đó, cần đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu; cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập; tạo quan hệ lao động hài hoà.

Đối với vấn đề môi trường, đây là xu thế không thể đảo ngược nên các DN cần tập trung giảm rác thải; xử lý, tái sử dụng nước; sử dụng năng lượng tái tạo; tái chế, tái sử dụng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chương trình phát triển bền vững thực hiện Chiến lược của Hiệp hội chú trọng 3 vấn đề chính bao gồm: thúc đẩy hình thành các Khu công nghiệp dệt may để chủ động nguồn cung NPL; phát triển khâu thiết kế thời trang, phát triển thương hiệu; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực dệt may”

Để thực hiện mục tiêu Chiến lược đề ra, VITAS đã đề xuất với Bộ Công Thương về Chương trình hỗ trợ Phát triển bền vững Ngành Dệt May theo Chiến lược đến năm 2030 với kinh phí đề xuất 435,6 tỷ đồng bao gồm 8 mục:

1) Khảo sát hiện trạng ngành dệt may Việt Nam; 2) Nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo; 3) Hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng  tái tạo…; 4) Hỗ trợ trong khâu thiết kế thời trang, thiết kế sinh thái, xây dựng và  quảng bá thương hiệu; 5) Hợp tác với đối tác nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực cho khâu sản xuất  NPL, đặc biệt là dệt, nhuộm hoàn tất va thiết kế tạo mẫu; 6) Đào tạo cho DN về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng; 7) Hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng; 8) Hỗ trợ tăng cường năng lực cho Viện, Trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

PV: Xanh hóa là nội dung quan trọng mà Ngành Dệt May sẽ phải tập trung triển khai, điều này giúp doanh nghiệp trong ngành nâng cao vị thế cạnh tranh, góp phần vào mục tiêu chung của đất nước… Vậy cụ thể nội dung này được đề cập trong dự thảo Chương trình phát triển bền vững của VITAS như thế nào, thưa ông?

hình ảnh về sản xuất xanh trong ngành Dệt May
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng để xanh hóa trong Dệt May

Ông Vũ Đức Giang: Từ năm 2017 VITAS đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững đồng thời triển khai rất nhiều hoạt động và đã có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp ngành. Trong dự thảo Chương trình phát triển bền vững mới đây, VITAS đưa vào 2 nhiệm vụ cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình xanh hóa của các doanh nghiệp gồm: Nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo và hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng  tái tạo…

Theo đó, triển khai nghiên cứu xu hướng phát triển trong chuỗi dệt may toàn cầu, xu hướng đổi mới công nghệ để phát triển bền vững; xây dựng và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên phụ liệu xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản  xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo; Khảo sát nhu cầu DN về chuyển đổi xanh; Hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực  xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng tái tạo; Hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu tại DN có nhu cầu.

hình ảnh về xanh hóa trong Dệt May
Hình ảnh về xanh hóa trong ngành Dệt May

 

PV: Từ khá sớm nhiều doanh nghiệp trong Ngành chủ động triển khai các hoạt động để từng bước chuyển đổi “xanh hóa” sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh. Xin ông cho biết đôi nét về quá trình chuyển đổi này? 

Ông Vũ Đức Giang: Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may VN chuyển đổi xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Cụ thể như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&D), tạo ra những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hay như nhà máy Dệt Bảo Minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao, triển khai Giải pháp ERP của Oracle tích hợp các hệ thống điều hành Setex, Toyota mang lại hiệu quả và sự chính xác, đồng bộ cho hoạt động sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, không chỉ ứng dụng công nghệ trong sản xuất mà còn trong hoạt động quản trị doanh nghiệp.

tuần hoàn trong ngành may mặc
Mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn trong ngành May mặc

PV: Thực tế nhiều doanh nghiệp cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong xanh hóa sản xuất. Vậy theo ông đâu là điểm nghẽn khiến các doanh nghiệp dệt may còn chưa đẩy nhanh được chuyển đổi xanh? và những kiến nghị đề xuất nhằm gỡ các nút thắt?

Ông Vũ Đức Giang: Có ba vấn đề được cho là khó khăn và rào cản đối với doanh nghiệp trong quá trình xanh hóa. Thứ nhất, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhận thức đúng về vấn đề này để chuẩn bị tốt nhất cho vấn đề xanh hóa.

Thứ hai là vấn đề về tài chính, bởi liên quan đến xanh hóa thì nhu cầu về vốn rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện vấn đề này, nhất là 80% doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba, đó là nguồn lực về con người, bởi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng xanh hóa cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất quan trọng và cần thiết nhưng các doanh nghiệp vẫn còn yếu.

Trong sự phát triển của ngành dệt may thì vai trò của DN vẫn là quan trọng nhất. Nhưng nếu chỉ dựa vào bản thân DN thì sẽ rất khó mà cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, định hướng quy hoạch các khu công nghiệp xanh, có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế là hết sức quan trọng. DN dệt may trong các KCN (kể cả KCN chuyên ngành DM và KCN hỗn hợp) gồm 1.210 DN với tổng số 610.400 lao động, chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động dệt may cả nước.

Hiện nay dệt may đã có khá nhiều KCN chuyên ngành, hầu hết các KCN có hệ thống xử lý nước thải đều đã thu hút đầu tư lấp đầy như tại  DM Phố nối B, Bảo Minh, Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Bình An, Nhơn Trạch.  Một số KCN như Rạng Đông, Phong Điền… tỷ lệ lấp đầy còn thấp, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về xử lý nước thải.

Chiến lược phát triển cũng chỉ đề cập tập trung xây dựng một số KCN, tổ hợp tập trung chuyên ngành Dệt May,  Da Giày lớn (bao gồm chuỗi, xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải,  thuộc da); có chính sách ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng  công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ,  khép kín đảm bảo tuân thủ quy định về môi trường; Định hướng tại phía Bắc (Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình,...);  miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng  Ngãi, Bình Định,...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Long  An…)

PV: Chuyển đổi công nghệ với doanh nghiệp Dệt May cũng là một nội dung quan trọng trong chuyển đổi xanh. Xin ông cho biết các doanh nghiệp của Ngành có gặp phải khó khăn gì không và đề xuất kiến nghị nhằm gỡ khó?

Ông Vũ Đức Giang: Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ là yêu cầu tất yếu của ngành dệt may. Tuy nhiên rào cản lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư vào ứng dụng công nghệ và các thiết bị tự động hóa còn cao. Ngoài ra, trình độ lao động thấp khiến quá trình vận hành máy móc, áp dụng công nghệ chưa đạt được kỳ vọng. Với vị thế là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực nên chăng cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp dệt may, từ lãi suất cho vay đến cơ chế tiếp cận vốn vay. Đặc biệt Chính Phủ cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí