Đề xuất chuyển đổi nhiên liệu dự án Nhiệt điện Quảng Trị từ than sang khí LNG
Ngày 26/7/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị về việc triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, xác định phát triển công nghiệp năng lượng là lĩnh vực then chốt, đột phá của tỉnh, thời gian qua Quảng Trị đã được phê duyệt quy hoạch và triển khai đầu tư nhiều dự án năng lượng quan trọng trên địa bàn.
Cụ thể, về năng lượng tái tạo, hiện nay, tỉnh đã có 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5 MWp (tương đương 125,4 MW); 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, đã có 20 dự án điện gió với tổng công suất 742,2 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 119,6 MW; 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW và 90,7 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà đã phát điện và vận hành thương mại.
Về điện than, có 2 nhà máy nhiệt điện than tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng công suất 2.400 MW được phê duyệt.
Về điện khí, hiện có các dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng báo cáo Bộ Công Thương về tình hình tiến độ hai dự án cụ thể là Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị và Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1.
Theo đó, Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị tại Khu kinh tế Đông Nam do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện dự án theo hình thức BOT có công suất 1.320 MW. Theo tính toán, nhà máy sau khi đi vào hoạt động sẽ mang lại sản lượng điện 7.200 tỷ KwH/năm.
Sau khi ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Trị, EGATi đã nỗ lực và tích cực trong việc phối hợp để triển khai dự án. Tuy nhiên, ngày 31/5/2023, EGATi có văn bản số 281/2023 gửi UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã chính thức thông báo với Bộ Công Thương về việc không tiếp tục thực hiện dự án. Sự việc này khiến người dân ở trong vùng quy hoạch dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị gặp nhiều khó khăn, khi không được cơi nới, sửa chữa nhà bị hư hỏng.
Đến nay dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động và đủ cơ sở để xem xét chuyển đổi sang dự án điện khí LNG.
Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021 có công suất phát điện 1.500 MW.
Tuy nhiên, sau gần ba năm từ khi được chấp thuận chủ trương, dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án chưa phù hợp với Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn 1. Bên cạnh đó là những khó khăn trong chuyển tiếp giá LNG, hợp đồng mua nhiên liệu và rủi ro trong hợp đồng mua bán điện PPA.
Trên cơ sở đó, đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, ủng hộ tỉnh có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị sang nhà máy điện khí LNG Quảng Trị (chuyển đổi công nghệ nhà máy từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí LNG). Từ đó điều chỉnh quy mô công suất Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị công suất 02 x 660 MW (1.320 MW) sang sử dụng nhiên liệu khí LNG công suất 02 x 750 MW (1.500 MW), vận hành giai đoạn 2025 - 2030 trong Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Về hoạt động dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện và phối hợp với tỉnh trong việc đầu tư đường dây truyền tải 500 kV để kết nối dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 với hệ thống điện quốc gia; chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn hoàn thiện báo cáo đúng phạm vi dự án để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết các nội dung về đàm phán thương thảo hợp đồng mua bán điện PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nội dung liên quan đến triển khai dự án. Đầu tư xây dựng hình thức dự án độc lập để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn giữa các tổ chức nước ngoài cho các dự án có quy mô lớn.
Cần sự chủ động, nghiêm túc, nỗ lực phối hợp để triển khai các dự án
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần chủ động của Quảng Trị trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn tỉnh, trong đó có các quy hoạch về năng lượng, điện lực và xăng dầu khí đốt. Thời gian qua Quảng Trị cũng là một trong những địa phương rất quan tâm đến việc phát triển các dự án nguồn điện và hạ tầng truyền tải ở khu vực.
Với tiềm năng, lợi thế của Quảng Trị về năng lượng, việc phát triển được các dự án năng lượng tái tạo phù hợp sẽ góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đối với các đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng cho biết các đại biểu tại cuộc họp cơ bản thống nhất ủng hộ địa phương, song địa phương và nhà đầu tư cần chủ động, nghiêm túc, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt và ban hành, đặc biệt là đảm bảo tiến độ các dự án theo Quy hoạch điện VIII.
Đi vào những kiến nghị cụ thể, đối với dự án điện khí Hải Lăng, Bộ trưởng đề nghị Quảng Trị khẩn trương hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch nội bộ để có được cơ sở pháp lý cho việc triển khai dự án; đồng thời cùng nhà đầu tư sớm làm việc với Bộ Giao thông vận tải để có được thỏa thuận về kho, cảng khí cho dự án. Bên cạnh đó, Quảng Trị cần xem xét, rà soát lại tất cả các vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương trên địa bàn để giúp chủ đầu tư sớm triển khai các bước tiếp theo của dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Bộ trưởng giao EVN khẩn trương xem xét hoàn thiện thỏa thuận đấu nối cho dự án. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án trước ngày 31/10/2024.
Đối với dự án nhiệt điện Quảng Trị, Bộ trưởng cho biết về nguyên tắc Bộ Công Thương ủng hộ việc chuyển đổi nhiên liệu của nhà máy từ than sang khí LNG, bổ sung nguồn điện nền cho hệ thống và vẫn đảm bảo cơ cấu nguồn đã nêu trong Quy hoạch điện VIII.
“Để làm được việc này, trước hết từ địa phương đến các cơ quan chức năng, đơn vị thuộc Bộ phải phối hợp nghiên cứu thật kỹ lưỡng để phân tích, đánh giá và tham mưu cho Bộ để đề xuất với Chính phủ xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII”, Bộ trưởng nhấn mạnh, lưu ý kỳ rà soát 5 năm lần thứ nhất của Quy hoạch điện VIII đã đến gần (năm 2025), các đơn vị cần khẩn trương triển khai vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ động thuê đơn vị tư vấn, đánh giá kĩ khả năng và đưa ra những cam kết chắc chắn trước Bộ và trước Chính phủ về tiến độ phát điện cụ thể của dự án; giải quyết dứt điểm những vấn đề còn liên quan đến chủ đầu tư trước; xem xét điều chỉnh quy hoạch cục bộ của địa phương nếu cần.
Để thực hiện được những kiến nghị này, Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ Công Thương là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Viện Năng lượng, Vụ Dầu khí và than nghiên cứu tính toán về cơ cấu nguồn điện và giá thành trong tương lai để đề xuất khả năng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong đó có việc điều chỉnh nhiên liệu đầu vào cho tổ hợp nhiệt điện Quảng Trị.
Khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo Bộ và phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, hoàn thiện các thủ tục, đưa ra những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các dự án điện khí. Nghiên cứu, tham mưu để ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, bóc tách giá và phí truyền tải.
Khẩn trương thẩm định, phê duyệt FS dự án điện khí Hải Lăng và thực thi các nhiệm vụ theo thẩm quyền đối với các nhà máy trong những bước tiếp theo.
Bộ trưởng cũng yêu cầu EVN khẩn trương rà soát, triển khai việc đầu tư hoặc thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải ở khu vực Quảng Trị để giải tỏa công suất các nhà máy theo Quy hoạch điện VIII. Triển khai việc thỏa thuận đấu nối cho dự án điện khí Hải Lăng. Sau khi có FS dự án, triển khai đàm phán hợp đồng mua bán điện theo đúng quy định để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện dự án trong tương lai.