Trong Báo cáo về các văn kiện trình Đại hội, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội XIII, phần nói về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, đã nhấn mạnh: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Thực hiện khát vọng ấy chính là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam.
Trong đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Một trong những động lực để thực hiện khát vọng là tìm con đường đột phá. Bởi vậy, trong các văn kiện và phát biểu tham luận của các đại biểu, đều đề cập đến đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo đó nhấn mạnh đến chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trọng tâm của nguồn lực đổi mới mô hình tăng trưởng là cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhiều phát biểu tham luận tại Đại hội đã lưu ý tới việc xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh như là một trụ cột của quá trình đổi mới cơ cấu trăng trưởng.
Đặc biệt, cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, tập trung phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái thẳng thắn nhận định: “Những đại biểu trình bày tham luận hoặc đại biểu theo dõi đều cảm nhận được khí thế, quyết tâm, động lực mới của toàn Đảng, toàn dân, mong muốn Đại hội XIII thực sự trở thành một Đại hội của sự đổi mới với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Là lãnh đạo địa phương, chúng tôi rất tâm đắc với chủ trương xây dựng cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của địa phương và đất nước của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị tại Đại hội XIII, bởi cơ chế này sẽ giúp lãnh đạo các địa phương tự tin hơn, vững tâm hơn”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Thời gian qua, khi nghiên cứu các mô hình phát triển, chúng ta thấy rằng, chỉ có trên cơ sở đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, dũng cảm đổi mới sáng tạo, không theo tư duy và cách thức lối mòn để tìm ra phương thức mới để phát triển, chúng ta mới có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cho các cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân”.
Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới, Đại hội XIII đã xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khoá XIII mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới:
Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Các mục tiêu này là biểu hiện tập trung nhất của khát vọng cả dân tộc Việt Nam hướng tới giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.