Mình bắt tay vào xây dựng một dự án với tâm thế quyết tâm, bản thân xuất thân là dân kinh tế nên tôi không quá mộng mơ. Tiếp theo là dành 2 năm đi làm thuê, kiếm tiền chuẩn bị cho việc thành lập công ty. Với tôi, khi bắt đầu vay mượn là khi dự án có tính khả thi, sinh lời và đem lại lợi ích cho những người cho vay. Đó là tâm sự của Đặng Thị Hòa, hiện là Founder & CEO của Công ty CP Phân bón hữu cơ Tasa.
Đặng Thị Hòa là một start-up được nhiều người biết tới không chỉ bởi sản phẩm "phân hữu cơ tinh khiết" hữu ích cho nông nghiệp Việt, mà cô còn luôn tràn đầy năng lượng, không ngại chia sẻ kiến thức với cộng đồng.
Mô hình khởi nghiệp của Đặng Thị Hòa đã được đánh giá cao tại các cuộc thi uy tín như: Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" do Hội LHPN Việt Nam và VCCI phối hợp tổ chức năm 2019; Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn 2019; được lựa chọn chính thức vào chương trình Ươm tạo khởi nghiệp SIP 100 (Startup Incubation Program 100- thuộc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo (FIIS)…
“Nhìn lại một năm đầy sóng gió: dịch bệnh, thiên tai triền miên, mọi người đều cảm thấy sự lao đao của các doanh nghiệp. Thế nhưng thực tế đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là những phụ nữ đã từng khởi nghiệp trong cơ hàn như tôi thì họ thường xuyên phải gặp rất nhiều những sóng gió như thế. Có lẽ đó cũng là một lý do khiến những nữ doanh chủ vững vàng hơn trước những khó khăn bão táp đang ào ào ngoài kia”, chị Hoà tâm sự.
Khi đã quyết định khởi nghiệp thì phải có một ít vốn. Nếu số vốn đó là từ đôi tay mỏng gầy của một người con gái, từ những giọt mồ hôi lăn xuồng nhòe cả đôi mi của chính bản thân thì thực sự số tiền ấy sẽ rất giá trị. Có như vậy thì khi bắt đầu khởi nghiệp chính bạn mới thực sự vắt óc nghĩ ra được nhiều sáng kiến để tối giản chi phí. Một đồng tiêu ra là phải mang lãi về. Đó là quy tắc vô cùng quan trọng khi muốn quản trị dòng tiền.
Vì sao lại nói khi khởi nghiệp phải có một chút vốn, bởi khởi nghiệp thì cần làm ra một cái gì đó hữu hình để có thể đi tìm người góp vốn làm cùng. Với nông nghiệp cần sản phẩm mẫu, hoặc một mô hình mẫu tối giản nhất đã chạy thử. Với công nghệ thì cũng tương tự có thể là bản thử, hoặc đơn giản là một video đầy tính công nghệ giới thiệu cho họ. Phải làm được điều tối thiểu đó mới gọi được vốn từ Co-founder, từ các nhà đầu tư. Bởi vì nếu chỉ có ý tưởng thì nó chưa đủ thuyết phục, chữ ý tưởng trong giới khởi nghiệp thường truyền nhau là: “Ý là của người ta nhưng tưởng là của mình”.
Để khởi tạo được nguồn vốn chúng ta cần khả năng bản thân và mua sự tin tưởng của nhà đầu tư. Chúng ta cần nắm rõ mình cần gì, mình sẽ biến số tiền đó như thế nào. “Thực tế lần đầu tiên tôi đi gọi vốn với một nhà đầu tư thiên thần. Tôi không chuẩn bị gì cả vì nghĩ cái gì cũng có trong đầu sẵn”, chị Hoà chia sẻ.
Hiện nay, chúng ta có nhiều cách thu hút dòng tiền như từ cộng đồng và chính khách hàng tiềm năng của mình. Với cách này các bạn hãy chỉ cho họ lợi ích đạt được nếu mua trả trước. “Bản thân tôi đã bán được sản phẩm được trả trước một năm.
Tôi đã viết email trực tiếp tới khách hàng của mình và nói với họ rằng nếu họ thanh toán trước một năm, thì họ sẽ được mua với giá giảm 20%. Số tiền đó thực sự có rất quan trọng trong giai đoạn đầu với tôi. Hãy yên tâm, càng sản xuất lâu bạn càng biết cách tiết kiệm chi phí và giá thành sẽ giảm”, chị Hoà cho biết.
Quan niệm người phụ nữ quản lý tiền có thể dễ hơn so với nam giới, bởi văn hóa của người Việt Nam là người phụ nữ giữ tiền trong gia đình. Tuy nhiên, đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp lại hoàn toàn khác. Đó là bạn phải tìm được điểm cân bằng giữa đầu tư cho chiến lược và các chi phí phát sinh của doanh nghiệp cố định.
Sự tối quan trọng của dòng tiền là điều mà mọi người đều biết, đó là “máu” đi nuôi tất cả, bất luận thế nào thì dòng máu ấy không được ngừng lại. Bước đầu tiên là khởi tạo được dòng tiền sau đó là quản lý và khiến dòng tiền ấy trở thành đòn bẩy cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Founder & CEO Đặng Thị Hoà cho biết thêm, hiện tại Công ty CP Phân bón hữu cơ Tasa Việt Nam đang sử dụng vốn từ đóng góp cá nhân của các thành viên cổ đông.
Chúng tôi muốn chia sẻ về cách làm việc với các cố đông. Thời gian đầu có những cổ đông sẽ đổi cổ phần bằng lương của họ. Điều này cần lưu ý rằng: nó sẽ chỉ thực sự hiệu quả nên cổ đông đó là người có năng lực. Nếu không chúng ta sẽ phải trả lương thông qua cổ phần cho một nhân viên năng lực kém.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg