Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thảo luận báo cáo chuẩn bị Kỳ họp Quốc hội thứ 7 khai mạc vào ngày 20/5 tới đây. Tạo phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tình hình tài chính của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu HVN - sàn HoSE) rất khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Do vậy, tại kỳ họp tới đây, Chính phủ xin bổ sung nội dung trình Quốc hội về gia hạn trả nợ khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines. Đây là khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng cho hãng hàng không quốc gia.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói nội dung này "rất quan trọng, cấp bách, cần xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp".
Trước đó, năm 2020, Quốc hội thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Trong đó, khoản vay 4.000 tỷ đồng, có lãi suất 0%. Còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Gói hỗ trợ này được đưa ra trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia bên bờ vực phá sản, nợ phải trả quá hạn khoảng 6.240 tỷ đồng.
Do chịu tác động từ đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới hơn 11.220 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh được cải thiện hơn, khi số lỗ giảm một nữa còn về hơn 5.700 tỷ đồng trong năm 2023. Nhưng do số lỗ của hai năm trước lớn, nên đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn gần 17.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ.
Kết thúc quý 1/2024, thị trường hàng không, du lịch hồi phục giúp Vietnam Airlines ghi nhận kết quả khởi sắc đáng kể. Theo đó, hãng hàng không này ghi nhận mức lợi nhuận của hoạt động kinh doanh chính là khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tổng số hàng khách chuyên chở của Vietnam Airlines trong quý 1/2024 đạt hơn 5,74 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy chuyến bay của hãng đạt 86% đối với thị trường nội địa và 80% đối với thị trường quốc tế, đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn ghi nhận khoản thu nhập khác trên 3.630 tỷ đồng do xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.
Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietnam Airlines là hơn 4.528 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của hãng hàng không này. So với giai đoạn “hoàng kim” 2017 - 2019 thì mức lợi nhuận hợp nhất cả năm của Vietnam Airlines chỉ đạt khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường vận tải quốc tế trong năm 2023 chiếm 60,1% tổng lượng khách luân chuyển toàn cầu. Điều này cho thấy sực phục hồi và tăng trưởng của thị trường hàng không toàn cầu sau đại dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không hồi phục.
Vietnam Airlines cho biết hãng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay và nhân lực, gia tăng khả năng cung ứng thuê ướt tàu bay nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, giảm thiểu chi phí, đàm phán giá dịch vụ và lãi suất…
Liên quan đến vấn đề tài cơ cấu, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành “Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2022 - 2025”, hiện đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hãng hàng không này cho biết sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.