Kết thúc quý 1/2024, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu HVN - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, riêng doanh thu của công ty mẹ Vietnam Airlines đạt hơn 22.100 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất của hãng hàng không này kể từ năm 2015 đến nay.
Hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines khởi sắc trong bối cảnh quý 1/2024 là cao điểm di chuyển, khiến giá vé máy bay nội địa dịp Tết tăng mạnh. Bên cạnh đó, Bamboo Airways - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với phân khúc khách hàng ở thị trường trong nước của Vietnam Airlines đã phải thu hẹp đội bay trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác quốc tế của Vietnam Airlines cũng đã phục hồi trở lại. Trong quý 1/2024, các tuyến bay quốc tế đóng góp đến gần 65% tổng doanh thu của hãng hàng không này, gần tương đương so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra.
Trong quý 1/2024, Vietnam Airlines còn ghi nhận khoản thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng đến từ việc xoá nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Vietnam Airlines ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới hơn 4.528 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của hãng hàng không này. So với giai đoạn “hoàng kim” 2017 - 2019 thì mức lợi nhuận hợp nhất cả năm của Vietnam Airlines chỉ đạt khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết ngày 31/3/2024, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm hơn 12.500 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của hãng hàng không này là hơn 36.700 tỷ đồng - giảm khoảng 4.330 tỷ so với cuối năm 2023.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh của các hãng hàng không, bao gồm Vietnam Airlines, sẽ tiếp tục ở mức tích cực trong thời gian tới khi thị trường bước vào cao điểm du lịch Hè và tình trạng thiếu hụt máy bay khiến giá vé neo ở mức cao.
Do sự cố động cơ của hãng Airbus, có 42 máy bay Airbus A321 NEO của các hãng hàng không tại Việt Nam sẽ phải tạm dừng khai thác để kiểm tra, theo Cục Hàng không Việt Nam.
Ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, do đứt gãy chuỗi cung ứng, trước đây, thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100 - 120 ngày nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày. Các hãng không Việt Nam phải tăng năng suất của máy bay, tập trung khai thác đội bay hiệu quả hơn, tăng khả năng khai thác để bù đắp thiếu hụt do một phần đội bay phải đưa vào bảo dưỡng.