Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu đạt 1.003 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý đầu năm, nhờ giá vốn hàng bán được tiết giảm, biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh đạt 42%, tăng so với mức 38,5% hồi quý 1/2023.
Sau khi trừ các khoản chi phí, Nhựa Bình Minh thu về 190 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong 6 quý trở lại đây.
Trong năm nay, Nhựa Bình Minh lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với mức thực hiện của năm 2024, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 1%, ở mức 1.030 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Nhựa Bình Minh đã hoàn thành được 18% kế hoạch cả năm về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm nay.
Chia sẻ về triển vọng kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh đánh giá ngành nhựa có tương quan mật thiết với ngành bất động sản và hiện ngành bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đáng kể khiến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng bằng nhựa chưa lớn. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay “có tăng trưởng nhưng sẽ không đáng kể”.
Về giá nguyên liệu đầu vào, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh hiện kỳ vọng giá nhựa PVC trong năm nay sẽ đi ngang so với năm 2023, tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Theo dữ liệu của SSI Research, trong quý 4/2023, giá PVC tiếp tục rơi xuống đáy với giá PVC trung bình tại Châu Á chỉ đạt 790 USD/tấn, giảm 8% so với quý 3/2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá PVC tiếp tục đi ngang, dao động quanh mức 790 USD/tấn.
Đầu năm nay, hai doanh nghiệp cung ứng PVC lớn trong khu vực là Formosa Plastic (FPC) và LG Chemical (LGC) đã bày tỏ lo ngại về triển vọng biên lợi nhuận, rủi ro dư cung kéo dài và nhu cầu yếu. Bên cạnh đó, việc giá than giảm cũng đang hỗ trợ xu hướng giảm của giá PVC. Do đó, một số tổ chức tài chính dự báo giá PVC sẽ duy trì ở mức đáy trong thời gian dài.
Tính đến ngày 31/3/2024, quy mô tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt 3.502 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Mức tăng này chủ yếu do tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tăng 12%, đạt 2.250 tỷ đồng (chiếm 64% tổng tài sản).
Ở phía bên kia của bảng cân đối, nợ phải trả của Nhựa Bình Minh đạt 622 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn với 189 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với đầu năm.