Sáng 1/1 – ngày đầu tiên của năm mới 2024, tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.
Tổng mức đầu tư dự án 14.331 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng. Đây là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho đến thời điểm hiện nay.
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được triển khai theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp. Tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT theo quyết định số 1629/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng .
Giai đoạn 2 triển khai thi công 27,71km còn lại, từ điểm giao Quốc lộ 3, kết thúc tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Công trình được thiết kế với vận tốc thiết kế 80km/h, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và đối với các đoạn khó khăn bề rộng mặt cắt ngang nền đường 13,5m.
Trên tuyến bố trí 7 nút giao và 1 điểm ra vào cao tốc; 4 trạm dừng nghỉ; 7 trạm thu phí; hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc… đồng thời, kết nối giao thương hàng hóa từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu…
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là dự án có tính chất, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển hạ tầng giao thông với các tỉnh còn khó khăn. Đây cũng là ước vọng nhiều đời nay của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh.
Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan), sang Trung Á và các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc Bộ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, được Bộ Giao thông Vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
Sau khi tiếp cận dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.
Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư).
Nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng (chiếm 31,24% tổng mức đầu tư) đã được các nhà đầu tư thu xếp đủ, trong đó ngân hàng VPBank đồng ý cấp nguồn tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án. Về phía tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án đầu tư công, dồn nguồn lực, tăng vốn tham gia của ngân sách địa phương từ 2.500 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng.