World cyber game 2003
Dòng chữ tiếng Anh “loằng ngoằng” này để nói về vòng chung kết giải Games toàn cầu 2003 sẽ được tổ chức vào tháng 10.2003 tới đây tại Sơ-un (Hàn Quốc). Tiêu chí của WCG được nhà tổ chức Sam Sung Việt Nam công bố “không chỉ là cuộc so tài chơi game trên máy tính mà còn đưa chúng ta tới ngày hội văn hoá thế giới, để gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như quyết đấu với nhau trên tinh thần thượng võ, giành vinh quang về cho tổ quốc mình”.
Vậy WCG là gì? Tháng 1.2000, dựa trên tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ chơi game trên máy tính, bộ phận đầu não của các tập đoàn Sam Sung, Sony, Nitendo, Sega đã lên kế hoạch triển khai olympic trò chơi do các Cty điện tử đưa ra. Tháng 7.2000, Battle Top Inc., một Cty liên doanh tổ chức WCG ở Hàn Quốc đầu tư cho chương trình này bằng cách thành lập liên doanh với tập đoàn Sam Sung có số vốn điều lệ 3,8 tỷ USD. Tháng 3.2001, Hội đồng tổ chức WCG chính thức khai mạc. Cũng trong năm ấy, WCG đầu tiên được tổ chức với 430 thí sinh đến từ 37 nước. Năm 2002, WCG 2002 được tổ chức tại Expo Park, Daejeon- công viên thánh địa về kỹ thuật công nghệ cao của Hàn Quốc, với quy mô lớn hơn với gần 500 “game thủ” đại diện cho 53 quốc gia, mang khẩu hiệu “tuổi trẻ trên toàn thế giới có thể tìm thấy một thế giới mới- vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hoá, dân tộc”. Đây cũng là lần đầu tiên các “game thủ” Việt Nam có dịp so tài do Cty Điện tử Sam Sung phối hợp với tạp chí PC World trong vai “bà đỡ”. Có 2000 “game thủ” độ tuổi từ 12 trở lên tham gia ở 2 trò FIFA WORLD CUP 2002 và Age of Empires (Đế chế). Kết quả có 6 giải thưởng cao nhất là 6 chuyến du lịch - thi đấu chung kết thế giới tại Hàn Quốc trong tháng 10.2002.
Với WCG 2003, quy mô tại Việt Nam hơn hẳn năm ngoái. Ngoài việc các đơn vị Santak cung cấp hệ thống UPS; TIE cung cấp màn hình vi tính; PC World, E- Chip bảo trợ thông tin… các vòng đấu loại được tổ chức ở 3 miền. Riêng tại khu vực Hà Nội, từ số lượng đăng ký 2068 “thí sinh”, trong đó có duy nhất 1 thí sinh nữ, sẽ “lọc” lấy 4 người vào thành phố Hồ Chí Minh, đấu tiếp với 4 “game thủ” khác để chọn được 6 người sang Hàn Quốc thi đấu. 2 trò chơi được chọn thi đấu ở WCG 2003 là FIFA 2003 và War Craft III, những trò thịnh hành nhất ở các cửa hàng game.net thời điểm này.
Phản ứng của các “game thủ” Hà Nội
Suốt mấy tháng qua, thông tin về WCG 2003 luôn là đề tài nóng hổi trong các cửa hàng game.net. Bởi chúng được phát ra từ nhiều nguồn, tờ rơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, và nhất là ở 2 “địa chỉ”: “HYPERLINK http://www.wcg.com. vn” “www.wcg.com.vn” và HYPERLINK http://www.worldcybergame. com.vn” “www.worldcybergame.com. vn”.
Bỏ qua những yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ nếu tiếp xúc nhiều với máy tính, có thể nói, game là sản phẩm của thời đại vi tính giúp người chơi, nhất là giới trẻ, thể hiện và phát huy sự sáng tạo, nhanh nhạy và tư duy của mình. “Game thủ” Nguyễn Thanh Bình, 1 trong 6 người sang Hàn Quốc thi đấu năm 2002 phân tích “bất kỳ trò chơi nào cũng cần 2 yếu tố: chiến thuật và kỹ năng điều khiển. Chiến thuật ở đây là ý đồ, là lối chơi mà người chơi muốn áp đặt lên đối thủ. Còn kỹ năng điều khiển là tầm quan sát trận đấu, điều khiển chuột, sử dụng bàn phím. Đối với những người chơi game chuyên nghiệp thì kỹ năng điều khiển là yếu tố sống còn...”
Các “game thủ” hiện nay chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đó có thể là cậu học trò lớp 8 được bố mẹ mua cho máy tính ở nhà. Hoặc là đám học trò sau mỗi giờ học kéo nhau vào những hàng game.net. Và “cao thủ” nhất phải kể đến CLanVN- club, câu lạc bộ CLan ở cửa hàng game.net phố Tạ Quang Bửu với hơn 50 hội viên do Phương, sinh năm 1980, nick name “Zit” làm hội trưởng. Đây là cửa hàng game được đánh giá “xịn” nhất Hà Nội với 13 máy tính nối mạng có thể cho các “game thủ” thi đấu trực tiếp với các đối thủ trên thế giới thông qua 4 “cổng”: châu Âu, châu á, miền Bắc và miền Nam nước Mỹ. Theo Huy Anh, sinh viên Trường Đại học Mỏ Địa chất, hội viên của CLanVN thì “mặc dù đã “đốt” không dưới 8 tiếng mỗi ngày vào dịp nghỉ hè này, nhưng các “game thủ” Châu á như Hàn Quốc, Trung Quốc được đánh giá là khó chơi hơn so với các “cổng” khác”. Người viết bài này đã được nghe kể về một “game thủ” bám máy 20 tiếng đồng hồ liên tục, ăn, ngủ tại chỗ. ở khía cạnh nào đó, đó là sự say mê đáng khâm phục. Nhưng hầu hết các “game thủ” có ý chí không bao giờ phí thời gian như vậy, bởi bám máy lâu không có nghĩa là trình độ sẽ cao. Sự say mê với game. net phải lấy nhóm CLanVN làm ví dụ. Tháng 6.2003 vừa rồi, ở một giải đấu quốc nội do Cty SSP trong thành phố Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức, nghe được thông tin trên mạng, 50 hội viên của CLanVN đã góp tiền cho 3 “game thủ” siêu đẳng vào thi đấu. Kết quả, 3 giải nhất, nhì, ba lọt cả vào tay CLanVN. Và ấn tượng cho đến lúc này với một trong 3 “game thủ” ấy là “SSP trang bị khiếp thật, có tới 65 máy nối mạng, cấu hình lại cao, giá mà ngoài này được như vậy…”
Tất cả cùng hướng đến Xơ- Un
Vòng chung kết VCG 2003 đã diễn ra ngày 30.8 tại nhà thi đấu Nguyễn Du, thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc, 6 “game thủ” xuất sắc nhất Việt Nam sẽ tranh tài với 700 “game thủ” đến từ 56 quốc gia trên toàn thế giới. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, Nguyễn Anh Dũng, sinh năm 1982, sinh viên trường ĐHKHTN thành phố Hồ Chí Minh rút được bài học cho các “game thủ” sau chuyến đi năm ngoái của mình “Nói chung trình độ lúc đó của các đấu thủ Việt Nam so với thế giới là chưa theo kịp. Do ta chưa được thi đấu cọ sát qua mạng, không nắm được những đấu pháp biến hoá của đối thủ, do trình độ ngôn ngữ. Nhưng cơ bản là các “game thủ” bạn đều chơi chuyên nghiệp, được trả lương và sống được bằng nghề chơi game này, trong khi ta coi việc chơi game chỉ là giải trí, thoải mái...”.
Sự khác biệt giữa “game thủ” của ta và thế giới về tính chuyên nghiệp mà bạn trẻ này nhận ra, đó là tín hiệu đáng mừng. Bởi tôn chỉ của WCG là “thượng võ”, là “chia sẻ”. Vì thế, dù có hay không biết về game.net, dù thắng hay thua trên hành trình quyết liệt tới Xơ- un, các bạn trẻ thân mến, hãy như “game thủ siêu đẳng” Nguyễn Thanh Bình: “Có tận mắt chứng kiến các tay game Hàn Quốc, bạn mới có thể hình dung được sự chuyên nghiệp trong cách chơi của họ: tay trái lướt trên bàn phím, tay phải dùng chuột mà ngay cả những người nghĩ ra thiết bị tiện ích này cũng không thể tưởng tượng được nó hữu dụng đến vậy. Nhưng quan trọng hơn hết, tôi thấy đây là chuyến đi bổ ích, vì được tham quan, được giao lưu..”.