Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đang buộc nhiều quốc gia trên toàn cầu phải tung ra các gói chi tiêu tài khoá có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhằm hỗ trợ hàng triệu người dân và doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Khủng hoảng kép vì dịch bệnh
Các chuyên gia phân tích đều đồng ý các gói chi tiêu tài khoá khổng lồ là điều cần thiết trong thời điểm hiện tại để giảm nhẹ các tác động do dịch bệnh gây ra, giúp các nền kinh tế không bị lún sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với các gói chi tiêu tài khoá lớn là sự phình to hơn của các khoản nợ vay của các quốc gia.
Một số nhà phân tích cảnh báo, việc các khoản nợ ngày càng tăng trên toàn cầu có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ, nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và một số quốc gia sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép, khủng hoảng kinh tế và theo sau đó là khủng hoảng nợ.
Hồi cuối tháng 3/2020, hãng nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) cảnh báo “Cuộc khủng hoảng nợ có thể sắp diễn ra. Việc các quốc gia tăng cường chi tiêu tài khoá để chống lại dịch bệnh, duy trì cấu trúc nền kinh tế và đảm bảo việc làm cho người lao động sẽ khiến tình trạng thâm hụt ngân sách tăng mạnh trong thời gian tới”.
Ngay từ đầu tháng 1/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu mới có thể xảy ra. Theo Ngân hàng Thế giới, thế giới đang trong làn sóng tích luỹ nợ thứ 4, làn sóng tích luỹ nợ này bắt đầu từ năm 2010 và đây là làn sóng nợ có mức độ tích luỹ nhanh nhất, quy mô lớn nhất và các tác động sâu rộng nhất trên toàn cầu kể từ những năm 1970.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong nửa đầu năm 2019, tổng số nợ toàn cầu đã tăng mạnh 7.500 tỷ USD lên mức cao kỷ lục hơn 250.000 tỷ USD. IIIF cho biết quy mô nợ toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại và dự báo khối nợ toàn cầu đạt mức 255.000 tỷ USD trong năm 2019, chủ yếu do Trung Quốc và Hoa Kỳ thúc đẩy nợ vay.
Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu “rất có thể” sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính mới với mức độ nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi năm 1930 trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới buộc phải áp đặt các biện pháp phong toả và cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, khiến hầu hết hoạt động kinh tế bị đình trệ. IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 3%, ngược lại so với mức dự báo tăng 3,3% được đưa ra hồi đầu năm nay.
Bà Kristalina Georgieva, người đứng đầu IMF, cho biết một nửa các quốc gia trên thế giới hiện đang yêu cầu IMF cho vay cứu trợ khẩn cấp nhằm chống lại các tác động của đại dịch Covid-19, điều này cho thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu và mức độ khốc liệt của một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Hãng nghiên cứu kinh tế EIU cho biết dưới các áp lực chưa từng có và sự không chắc chắn về cuộc khủng hoảng hiện nay do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ kéo dài bao lâu, cơ hội cho các quốc gia để giảm số nợ của mình đang ngày càng hẹp dần. Mặc dù trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, các quốc gia đã sử dụng các biện pháp thắt chặt chi tiêu tài khoá để hạn chế mức thâm hụt ngân sách, nhưng điều này khó có thể có ích đối với cuộc khủng hoảng nợ hiện tại khi xét về quy mô và mức độ ảnh hưởng, theo EIU.
Khu vực Nam Âu đối mặt nguy cơ vỡ nợ cao nhất
EIU cảnh báo Việc không có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia vốn đang có mức nợ cao như Italy và Tây Ban Nha, sẽ đối mặt với tình trạng vỡ nợ công. Vỡ nợ công sẽ là cú đánh thứ hai do đại dịch Covid-19 gián tiếp gây ra với mức độ nghiêm trọng hơn so với khủng hoảng kinh tế.
Ông Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của EIU, nhận định “Trong trung hạn, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ. Viễn cảnh về cuộc khủng hoảng nợ này xuất phát từ thực tế nhiều quốc gia Châu Âu như Italy và Tây Ban Nha vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19 đã có vị thế tài chính yếu ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát”. Tây Ban Nha và Italy hiện chỉ xếp sau Hoa Kỳ trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất vì dịch bệnh.
Phần lớn các quốc gia Nam Âu vẫn đang trải qua nhiều năm thực hiện chính sách tài khoá “thắt lưng buộc bụng”, bị đè nặng bởi mức nợ công cao, thâm hụt tài khoá lớn và dân số già, Ông Agathe Demarais cũng cho biết một cuộc khủng hoảng nợ nổ ra ở bất kỳ quốc gia nào trong số các quốc gia khu vực Nam Âu sẽ nhanh chóng lan ra các nước phát triển, rồi đến các nền kinh tế đang nổi lên, đưa nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng hơn.
Trong khi đó, ông Steve Brice, chiến lược gia cấp cao tại tập đoàn ngân hàng đầu tư Standard Chartered, có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc khủng hoảng nợ với nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được sự sụp đổ nợ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Steve Brice cũng cho biết “Chương trình cho vay khẩn cấp cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ với quy mô lên đến 349 tỷ USD đã cạn kiệt nguồn tiền vào ngày 16/4 vừa qua. Rõ ràng chúng ta sẽ cần phải có thêm tiền, và việc tìm kiếm nguồn tiền hiện đang trở nên khó khăn hơn nhiều so với cách đây hai hoặc ba tuần”.