Khuyến công Vĩnh Phúc: Một số giải pháp thiết thực phát triển công nghiệp nông thôn

Sau hơn 1 năm hoạt động, công tác khuyến công Vĩnh Phúc đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Đó là, các ngành TTCN, công nghiệp địa phương phát triển chậm, trình độ trang thiết bị, kỹ thuật công n

Do vậy, để tổ chức và quản lý các hoạt động khuyến công, Sở Công nghiệp Vĩnh Phúc đã giao cho Trung tâm Khuyến công tổ chức điều tra, nghiên cứu các ngành nghề để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ. Trên cơ sở các ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công, Trung tâm hướng dẫn các doanh nghiệp và UBND các xã xây dựng các đề án khuyến công như hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật.

Với phương pháp này, trong năm 2006, từ nguồn kinh phí  khuyến công quốc gia, Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp tổ chức Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn các tỉnh phía Bắc lần thứ nhất với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ tại các tỉnh. Trong năm, Trung tâm Khuyến công cũng đã hỗ trợ đào tạo nghề thêu, nghề mây tre đan, tạo việc làm cho 400 lao động các xã Liên Mạc (Mê Linh), Thanh Lãng (Bình Xuyên), Liên Châu (Yên Lạc), Hoàng Đan (Tam Dương); đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn sản xuất chiếu trúc tại Công ty TNHH Sông Hồng (Yên Lạc). Trung tâm Khuyến công còn đăng cai tổ chức thành công Hội thảo “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công các tỉnh phía Bắc”, tạo điều kiện cho Trung tâm khuyến công các tỉnh khu vực phía Bắc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động khuyến công và tìm ra giải pháp thúc đẩy các hoạt động khuyến công sắp tới.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã sử dụng kinh phí khuyến công địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề mây tre đan, mây xiên, mộc, gốm và tạo việc làm cho 358 lao động các xã; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề chế biến bông, vải sợi, cơ khí rèn cho 45 lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản trị kinh doanh cho 50 cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý các doanh nghiệp, HTX sản xuất CN-TTCN trên địa bàn Tỉnh; tổ chức cho 30 lãnh đạo doanh nghiệp và một số cá nhân có tiềm lực kinh tế đang có ý định đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn tham quan tìm hiểu ngành nghề nông thôn tại tỉnh Hà Nam và Nam Định. Như vậy, thông qua công tác hỗ trợ đào tạo nghề, năm qua, chương trình khuyến công địa phương đã tạo việc làm mới cho gần 1.000 lao động tại một số xã trong Tỉnh. Đặc biệt, đã giúp cho một số xã khó khăn thuộc vùng xa đô thị chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện được chính sách xóa đói giảm nghèo. Giúp cho một số doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công xuất khẩu phát triển sản xuất.

Để động viên khuyến khích các địa phương, làng nghề và các cơ sở sản xuất tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất, du nhập nghề mới, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, Sở Công nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức triển khai thẩm định, xét duyệt công nhận 17 làng nghề TTCN và 1 nghệ nhân, 12 thợ giỏi của các nghề mộc, đá, gốm. Sở còn lựa chọn được 40 cán bộ khuyến công tại các xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn nghiệp vụ vào cuối tháng 11/2006. Lực lượng cán bộ khuyến công này sẽ hỗ trợ đắc lực cho Trung tâm triển khai, đẩy mạnh các hoạt động khuyến công tại các địa phương trong thời gian tới.

Có thể nói, hoạt động khuyến công trong năm 2006 đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc, song do công nghiệp của Vĩnh Phúc còn chậm phát triển, việc nhân cấy các nghề thủ công mới còn gặp nhiều khó khăn đã làm cho việc lựa chọn đề án khuyến công để hỗ trợ mất nhiều thời gian; hoạt động khuyến công mới chỉ tập trung vào các công tác đào tạo nghề, tổ chức tham quan, hội chợ triển lãm… chứ chưa thực hiện hết các nội dung của Nghị định 134/NĐ-CP.

Năm 2007, công nghiệp cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng phải đối đầu với những đòi hỏi khắt khe khi hội nhập WTO. Trung tâm Khuyến công Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch chương trình khuyến công của Tỉnh, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, làng nghề. Tập trung tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động gắn với các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ; thực hiện một số khóa đào tạo thợ giỏi nghề TTCN để hình thành đội ngũ giáo viên đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn. Tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề TTCN và biên soạn chương trình, giáo trình dạy nghề TTCN như mây tre đan, thêu ren, chạm khắc gỗ, khảm trai; hỗ trợ tập trung một số địa phương điểm để hình thành mô hình nhân rộng và định hướng phát triển thành làng nghề mới.

2. Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức cá nhân khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh thông qua các khóa đào tạo; tham gia tích cực vào chương trình phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. thúc đẩy việc chuyển các hộ kinh doanh sang thành lập HTX, doanh nghiệp để có điều kiện mở rộng qui mô. Cần quan tâm nhiều đến hoạt động sau khi thành lập doanh nghiệp, thực hiện hỗ trợ sau thành lập để doanh nghiệp ổn định sản xuất; quan tâm hỗ trợ kỹ năng quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp, giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Tư vấn hỗ trợ đổi mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật mới, sản phẩm mới trong sản xuất TTCN. Khuyến khích hiện đại hóa công nghệ truyền thống, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm tại các làng nghề; Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng TTCN; bước đầu hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môt trường tại các doanh nghiệp nhỏ; tính toán việc hỗ trợ để hình thành một số cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề.

4. Hỗ trợ tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, tham gia xúc tiến thương mại; xây dựng dữ liệu về công nghiệp nông thôn của tỉnh. Bước đầu hình thành hoạt động tư vấn khuyến công; nghiên cứu hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn làm cộng tác viên hoạt động khuyến công; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền và phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển CN-TTCN trên báo, đài phát thanh truyền hình và Trung tâm thông tin công tác tư tưởng – Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, cổng thông tin điện tử của tỉnh…

Thực hiện trợ giúp đăng ký thương hiệu cho làng nghề đạt chuẩn và một số doanh nghiệp tiêu biểu; hỗ trợ in tờ gấp, quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp. Tổ chức 2-3 đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm các tỉnh, thành có công nghiệp nông thôn phát triển; thí điểm hỗ trợ giúp đỡ thành lập hiệp hội ở 3 làng nghề truyền thống đã đăn ký thương hiệu.

5. Tăng cường nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công của đội ngũ cán bộ khuyến công từ tỉnh đến cấp xã. Tiếp tục thực hiện triển khai các đề án khuyến công đến tận cơ sở địa phương.

Để công tác triển khai hoạt động khuyến công trong năm mới được thực hiện thuận lợi và có hiệu quả, theo Trung tâm Khuyến công Vĩnh Phúc, cần tăng cường công tác xây dựng văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý để địa phương thuận lợi trong việc triển khai các hoạt động khuyến công. Trong đó cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố. Ban hành văn bản về định mức chi các nội dung khuyến công hợp lý hơn, thực sự khuyến khích cho các cơ sở, đơn vị thụ hưởng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc phê duyệt kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm theo hướng khi cần điểu chỉnh nhỏ trong từng địa phương thì thủ tục đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn. Trong kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm cần bổ sung hỗ trợ Trung tâm Khuyến công các địa phương các trang thiết bị, phương tiện làm việc. Cần nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện các hoạt động khuyến công của quốc gia.

  • Tags: