Đi con đường khác biệt, tập trung phát triển mạnh sản phẩm bản địa có chất lượng, đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt kiếm bộn tiền và cắm rễ vững chắc tại thị trường nước ngoài.
Khác biệt tạo ra tiền tỉ
Chỉ sản xuất dòng sản phẩm bánh phồng tôm nhưng hai DN cùng ở Đồng Tháp là Bích Chi và Sa Giang đều có mức tăng trưởng cao và đều đặn qua hằng năm. Sử dụng nguyên liệu gạo địa phương để làm bánh phồng tôm nhưng hơn 80% sản phẩm làm ra của hai đơn vị này được tiêu thụ ở nước ngoài. Tính riêng trong năm ngoái, Sa Giang và Bích Chi đạt lãi ròng lần lượt là 30 và 40 tỉ đồng nhờ sản phẩm “độc, lạ”.
Theo ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi, ngay từ đầu công ty xác định phát triển ra thị trường nước ngoài vì thị trường nội địa cạnh tranh khá khốc liệt với những sản phẩm tươi từ các cơ sở truyền thống và làng nghề. Thêm vào đó, công ty xác định phải đầu tư bài bản với công nghệ hiện đại, xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn… để đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà các bạn hàng nước ngoài đặt ra.
“Hiện nay sản phẩm Bích Chi có mặt tại bảy nước Đông Nam Á. Đặc biệt, người Nhật rất thích thú các sản phẩm làm từ gạo của cơ sở” - ông Phạm Thanh Bình cho biết.
Hiện nay trên sàn chứng khoán Việt Nam(VN) có một vài công ty kinh doanh khá “độc”, đó là lĩnh vực “cõi âm”. Điển hình là Công ty Cổ phần Mai táng Hải Phòng (mã chứng khoán CPH). Công ty này đang quản lý, duy tu, chăm sóc các phần mộ; sản xuất, kinh doanh dịch vụ các sản phẩm hàng hóa phục vụ việc tang như quan tài, tiểu quách, bình quách đựng tro cốt gốm sứ, đồ tùy táng...
Mặc dù doanh thu không quá lớn nếu so với nhiều đại gia khác nhưng với việc tập trung kinh doanh vào thị trường ngách nên lợi nhuận tăng trưởng khá đều đặn. Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy riêng năm ngoái, CPH đạt doanh thu thuần 102 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế gần 9 tỉ đồng. Công ty đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới gần 17%.
Trên sàn chứng khoán còn có Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán CAP), chuyên sản xuất, kinh doanh các loại vàng mã và giấy đế-giấy làm vàng mã. Trên sàn chứng khoán VN, đây được xem là công ty duy nhất kinh doanh loại sản phẩm khá đặc thù này. Đáng chú ý, các sản phẩm vàng mã của công ty chủ yếu được sản xuất để phục vụ thị trường Đài Loan.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy riêng trong năm ngoái, vàng mã, giấy đế đã mang về cho CAP 168 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 14,6 tỉ đồng. CAP cũng là một trong những công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn với tỉ lệ thưởng 30%-40%/năm.
Việt Úc được xem là một trong số ít công ty tại Việt Nam xuất khẩu được tôm nguyên con vào thị trường Úc. Ảnh: TL
Chinh phục nước ngoài bằng công nghệ cao
Lâu nay VN gần như phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn tôm bố mẹ lẫn tôm giống từ các thị trường như Mỹ, Singapore, Thái Lan. Điều này tạo ra rủi ro lớn cho VN, vì với bất kỳ sự thay đổi chính sách xuất khẩu tôm giống nào từ các nước này đều có khả năng ảnh hưởng đến ngành nuôi tôm nhiều tỉ USD của VN.
Đứng trước thực tế trên, Tập đoàn Việt Úc đã chọn cánh cửa khó là lai tạo tôm bố mẹ và nuôi tại VN, thay vì phải nhập khẩu tôm bố mẹ từ các nước. Ông Lương Thành Văn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc, cho biết hiện mỗi năm công ty cung ứng ra thị trường 50 tỉ con giống. “Phát triển thành công được con tôm bố mẹ thì sẽ có con giống tốt nhất và cho ra tôm thành phẩm chất lượng với chi phí nuôi thấp, giúp tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường” - ông Văn nói.
Với Việt Úc, sự thành công nhờ vào việc am hiểu ngành, có đội ngũ nhân lực giỏi với 13 tiến sĩ. Không chỉ vậy, tập đoàn còn hợp tác chặt chẽ với CSIRO - một viện nghiên cứu đa lĩnh vực, từ nông nghiệp, năng lượng đến an toàn sinh học… của Úc. Nhờ vào việc hưởng lợi rất nhiều từ các kết quả nghiên cứu của CSIRO, Việt Úc đã tạo ra thế hệ tôm bố mẹ thứ bảy với tỉ lệ tăng trưởng tốt hơn thế hệ đầu tiên là 48%.
Sự thành công nuôi tôm bố mẹ đã đem đến cho Việt Úc một lợi thế khác là khép kín chuỗi giá trị trong ngành tôm. Do đó, Việt Úc được xem là một trong số ít công ty tại VN xuất khẩu được tôm nguyên con vào thị trường Úc.
Dù chỉ mới gia nhập ngành trong thời gian ngắn nhưng bình quân một năm Công ty Pan Saladbow sản xuất 7 triệu cành hoa cúc, cẩm chướng và xuất khẩu hết sang thị trường Nhật, một thị trường khắt khe vào loại bậc nhất trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Pan Saladbow, tiết lộ không phải tự nhiên Pan Saladbow đi vào con đường khó mà có sự tính toán rất chi tiết và cẩn trọng. Đặc biệt, tại điểm khởi đầu, công ty định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật và đầu tư mạnh cho việc trồng trọt theo công nghệ cao. Theo đó, toàn bộ diện tích hoa trồng trong nhà kính với khả năng kiểm soát môi trường và khí hậu tối đa cho cây trồng thông qua các cảm biến và hệ thống máy tính tự động.
“Suất đầu tư lên đến 10 tỉ đồng cho 1 ha nhà kính. Nhưng đổi lại, hoa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, đảm bảo hoa đạt chất lượng đồng đều, màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài 6-7 tuần” - bà Trà My thông tin.
Thắng trên thị trường nhờ lối đi riêng
Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Hữu Long cho rằng việc các DN thắng được trên thị trường nhờ vào mở lối đi riêng , tập trung vào tạo sự khác biệt . Họ không đi vào lối mòn của người khác mà xây dựng sự khác biệt nhờ óc sáng tạo , táo bạo và lòng kiên trì.
"Chúng ta luôn nói về thế mạnh của DN nước ngoài nhưng DN Việt có lợi thế của mình. Vấn đề là phải tìm cho ra nhóm khách hàng này để phục vụ và lắng nghe họ, từ đó có điều chỉnh hợp lý thì thương hiệu VN vẫn có khách hàng mục tiêu" - ông Long nói.
Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương mại, cũng nhìn nhận thế giới đang rất chuộng những sản phẩm mang tính bản địa. Sản phẩm VN có nhiều lợi thế về xu hướng này để khai thác cơ hội. "Sự thành bại kinh doanh ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của người đứng đầu DN. Nếu biết cách làm, chọn đúng phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng thì thành công sẽ đến" - bà Vân nói.