Trong giai đoạn 2009-2010, các vụ việc TTKT tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2009 ghi nhận 295 vụ với tổng giá trị 1,14 tỷ USD, năm 2010 có 245 vụ với tổng giá trị 1,75 tỷ USD và năm 2011 ghi nhận có 267 vụ với tổng giá trị giao dịch đạt kỷ lục là 6,3 tỷ USD.
Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều xáo trộn sau các cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công, thị trường mua bán và sáp nhập Việt Nam giai đoạn 2012-2014 suy giảm đáng kể. Tổng quy mô thị trường đạt 4,9 tỷ USD với 157 thương vụ trong năm 2012. Năm 2013, đạt 3,2 tỷ USD với 182 thương vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 88 thương vụ mua bán sáp nhập thành công với giá trị trên 1 tỷ USD và dự đoán đến hết năm 2014, giá trị giao dịch mua bán sáp nhập tại Việt Nam có thể đạt 2 tỷ USD (giảm 37,5% so với năm 2013).
TTKT có thể giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiến hành tái cơ cấu, mở rộng và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hành vi này cũng tiềm ẩn nguy cơ hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và có thể gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh. Vì vậy, các hình thức TTKT cần được điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh và giám sát bởi cơ quan cạnh tranh.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, TTKT gồm có 4 dạng hành vi: sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh Điều 17 Luật Cạnh tranh. Để kiểm soát hoạt động này, pháp luật cạnh tranh quy định với những trường hợp thị phần kết hợp của các bên tham gia nằm trong khoảng từ 30-50% cần có thông báo cho cơ quan cạnh tranh. Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh cũng mở một cánh cửa cho những trường hợp TTKT vượt quá ngưỡng 50% thị phần nhưng thuộc đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc việc TTKT tác động tốt đến sự phát triển kinh tế xã hội thông qua các quy định miễn trừ.
Tính đến hết tháng 12/2014, cơ quan cạnh tranh mới chỉ tiếp nhận 26 vụ việc thông báo TTKT, trong số đó 20 vụ việc đã được thông qua, 01 vụ việc rút hồ sơ và 5 vụ việc đang trong quá trình xem xét (con số này là quá ít so với khoảng hơn 1.200 các thương vụ mua bán sáp nhập diễn ra tại Việt Nam trong cùng giai đoạn này). Bên cạnh đó, cho đến nay cơ quan cạnh tranh chưa có bất kỳ cuộc điều tra nào đối với các vi phạm trong lĩnh vực TTKT. Điều này thể hiện công tác kiểm soát hoạt động TTKT của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua hoạt động không hiệu quả.
Số liệu các vụ giao dịch mua bán và sáp nhập tại Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp từ Stox Plus
1. Những bất cập trong việc kiểm soát hoạt động TTKT
- Tính toán thị phần kết hợp: bài toán khó cho doanh nghiệp
Luật Cạnh tranh sử dụng thị phần làm cơ sở phân loại nhóm TTKT và là tiêu chí duy nhất để xác định cách thức xử lý. Trên thực tế, doanh nghiệp chỉ có thể biết và chịu trách nhiệm về doanh số của mình mà không có nghĩa vụ phải nắm được doanh số của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường (căn cứ để tính toán thị phần của các bên tham gia TTKT). Việc yêu cầu doanh nghiệp phải thu thập một khối lượng lớn thông tin liên quan đến thị trường và thị phần tạo một áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp mong muốn thực hiện thủ tục thông báo hoặc tham vấn ý kiến của cơ quan cạnh tranh. Điều này phần nào giải thích lý do tại sao rất nhiều vụ việc TTKT đã diễn ra nhưng chỉ có một số ít được thông báo tới cơ quan cạnh tranh.
- Kiểm tra giám sát: cần phối hợp giữa các cơ quan
Đối với việc kiểm soát các hoạt động TTKT và đảm bảo duy trình cấu trúc cạnh tranh trên thị trường, hiện nay chưa có một cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát TTKT. Do đó, việc nắm bắt các thông tin, dữ liệu về các vụ việc TTKT còn nhiều khó khăn và không đầy đủ.
2. Một số giải pháp
- Ngưỡng thông báo TTKT: linh hoạt và khả thi
Kinh nghiệm của các quốc gia đã tiến hành sửa đổi quy định kiểm soát TTKT cho thấy, lợi ích từ việc sử dụng tiêu chí thị phần để xác định ngưỡng thông báo TTKT không thể bù đắp cho những khó khăn và chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Trên thực tế, hầu hết các hệ thống kiểm soát TTKT chỉ sử dụng tiêu chí doanh thu để xác định ngưỡng thông báo TTKT.
Cơ quan cạnh tranh, nếu thấy cần thiết để đánh giá tác động tiềm ẩn tới cạnh tranh của vụ việc, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tham gia TTKT và doanh nghiệp hoạt động trên cùng thị trường cung cấp thêm thông tin. Sẽ là hợp lý hơn khi việc thu thập thông tin về thị trường được cơ quan cạnh tranh thực hiện.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, cơ quan cạnh tranh có thể cân nhắc sử dụng thêm “tổng tài sản” hoặc giá trị thương vụ TTKT để xây dựng ngưỡng thông báo hợp lý cho từng ngành.
- Đánh giá TTKT: không chỉ là thị phần
Về phương pháp đánh giá tác động của vụ việc TTKT, ngoài tiêu chí thị phần cần cân nhắc các tiêu chí sau: (i) vị thế các bên tham gia TTKT; (ii) áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp không tham gia TTKT; (iii) áp lực cạnh tranh trực tiếp hoặc tiềm năng từ nhập khẩu và khả năng gia nhập thị trường của đối thủ mới; (iv) hiệu quả kinh tế và khả năng tồn tại của các bên tham gia TTKT.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý
Việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên ngành và quản lý cạnh tranh là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo hiệu quả quản lý chung của Nhà nước đối với sự vận hành lành mạnh của thị trường, xóa bỏ các lỗ hổng pháp lý giữa các văn bản pháp luật khác nhau. Trong đó, cần tuân thủ triệt để các nguyên tắc sau:
+ Không có sự chồng chéo giữa quản lý cạnh tranh và quản lý chuyên ngành kinh tế.
+ Thủ tục kiểm soát tập trung kinh tế phải là thủ tục tiên quyết, được thực hiện trước khi tiến hành các thủ tục khác trong pháp luật quản lý ngành.
+ Cần xây dựng cơ chế phối hợp thẩm tra và kiểm soát giữa cơ quan quản lý ngành và cơ quan quản lý cạnh tranh trong các thủ tục liên quan đến các hành vi TTKT. Theo đó, khi kiểm soát TTKT, cơ quan cạnh tranh cần tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý ngành nhằm có được đánh giá chính xác tác động của một vụ việc cụ thể đến định hướng phát triển ngành, đánh giá các tác động khách quan và chủ quan của thị trường đến hành vi của doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tập trung kinh tế năm 2012 của Cục Quản lý cạnh tranh.
2. Bài viết “Các khía cạnh pháp lý về tập trung kinh tế và vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh”, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Tạp chí Khoa học Pháp luật số 4(41)/2007.
3. Báo cáo rà soát các quy định pháp luật cạnh tranh Việt Nam.