Kiểm tra sau giao việc: Chuyện bức bách của cải cách hành chính

Những kinh nghiệm thành công trong cải cách hành chính cho thấy, sau khi giao việc cho cấp dưới thì việc đi kiểm tra đột xuất và định kỳ một cách chính thống hay vi hành đều có giá trị bổ sung cho nha

Thời gian qua, dư luận đã cảm nhận rõ nét có một sự chuyển động mạnh mẽ trong cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm ăn.

Để có được sự “cảm nhận rõ nét” ấy, là cả một hệ thống các biện pháp mạnh mẽ, mà điểm nhấn đặc trưng là một thế hệ lãnh đạo mới với tinh thần “sát người, sát việc”.

Cuối tháng 9 năm trước, dư luận có phần bỡ ngỡ khi người đứng đầu Chính phủ bất ngờ đi thị sát chợ đầu mối hoa quả Long Biên và xã chuyên canh rau củ Văn Đức, Gia Lâm vào lúc tờ mờ sáng. Một tuần sau đó, là cuộc kiểm tra không báo trước tại một loạt địa chỉ TP. Hồ Chí Minh, bao gồm Cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp Tú Anh, quán phở Phú Cường, siêu thị Coopmart.

Ở đâu, Thủ tướng cũng trò chuyện với người dân về quy trình sản xuất, chế biến; xem hồ sơ, giấy tờ nhập nguyên liệu, giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, và hỏi xem cán bộ cấp những giấy chứng nhận này có xuống tận nơi, hay ngồi trên trụ sở, có kiểm tra cơ sở hay không?

Đây là cách mà người đứng đầu Chính phủ muốn kiểm tra xem, đã có sự chuyển động tích cực nào chưa, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày 27/4/2016. Tại Hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới cách tiếp cận theo hướng kiểm tra trên thực địa; đồng thời yêu cầu các bộ ngành, địa phương sau khi giao việc cho cấp dưới, phải có kiểm tra đột xuất và định kỳ.

Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã hóa trang để không ai nhận ra, trực tiếp kiểm tra hoạt động dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Hóa chất ở Văn phòng phía Nam.

Qua đó, ông ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, chu đáo của nhân viên thuộc 2 đơn vị này. Nhưng cũng   “thực mục sở thị” toàn bộ khâu tổ chức thực hiện các nội dung trên.

Trước tiên, điều đầu tiên làm ông không hài lòng là cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tiếp dân và doanh nghiệp chưa tốt. Trong phòng và trên bàn làm việc không có biển hiệu thể hiện rằng, đây là nơi thực hiện DVCTT Cấp C/O điện tử hay Khai báo hóa chất; cũng không có văn bản hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ.

Tự thâm tâm, ông hiểu rằng, có thể là trước khi cung cấp DVCTT, nơi đây cũng là địa chỉ cung cấp dịch vụ công truyền thống, nên dù là doanh nghiệp khai báo trực tiếp hay doanh nghiệp làm dịch vụ khai báo thì cũng đã quen rồi. Họ chắc không “care” chuyện có biển hiệu hay không. Nhưng là một cơ quan tiếp dân và doanh nghiệp, việc không có biển hiệu hay bảng hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ là một thiếu sót, cần phải khắc phục ngay.

Vào vai một doanh nghiệp ở Long An, muốn xin cấp C/O điện tử form D để nhận ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sang Phi-lip-pin, ông được một nhân viên ở đây hướng dẫn gặp một nhân viên khác phụ trách địa bàn Long An, cùng với số điện thoại di động. Khi ông bấm máy, người đầu dây bên kia hướng dẫn chu đáo từng bước, từng bước của toàn bộ quy trình cấp C/O điện tử.

Ghi nhận sự tận tình, chuyên nghiệp của cán bộ hướng dẫn, nhưng ông thẳng thắn chỉ ra, hướng dẫn qua điện thoại là cách làm chưa thật sự nghiêm túc trong tổ chức cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra công tác đảm bảo điện Tết tại Trạm biến áp 110 kV Yên Phụ

Đặc biệt, ông phản ứng mạnh mẽ việc doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bản giấy, và đặt hàng loạt câu hỏi, tại sao DVCTT lại chưa cho phép khai hồ sơ trên mạng? Chưa cho phép xử lý hồ sơ trên mạng? Như thế có còn ý nghĩa của cấp C/O điện tử hay không?

Ông bấm máy ngay cho Cục phó, mấy hôm sau đó là đối chất với Cục trưởng tại một cuộc họp. Lúc ấy sự việc mới ngã ngũ ra, việc khai và xử lý hồ sơ trên mạng đã thực hiện ở khu vực phía Bắc; tại văn phòng phía Nam, còn vướng mắc đôi chút về hạ tầng kỹ thuật nên chưa thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Ông kết luận, việc cấp C/O điện tử như thế chưa đạt yêu cầu, và chỉ đạo phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong thời gian sớm nhất, để việc cấp C/O điện tử đúng nghĩa với DVCTT.

Là người ưa hoạt động và luôn đi thẳng vào bản chất vấn đề, nên khi nghe một đơn vị báo cáo sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công một mặt hàng đang “nóng” trên thị trường vì hàng giả, hàng kém chất lượng, ông chỉ đạo ngay rằng, phải tính toán lại cách làm, dừng ngay những việc  làm theo phong trào. Ông khẳng định, nếu chỉ dừng lại ở việc gửi công văn đến địa phương, tiếp đến, chờ sau đợt cao điểm các địa phương báo cáo về, rồi tổng hợp lại báo cáo lên Bộ thì các hoạt động, sự kiện có thể sẽ sôi nổi, náo nhiệt, nhưng hiệu quả chắc chắn không cao.

Do đó, ông yêu cầu đơn vị phải xác định rõ, tại sao lại mở đợt cao điểm này? Nhằm mục đích gì? Những mục tiêu cụ thể trên những địa bàn, sản phẩm? Trong tổ chức thực hiện, phải có những biện pháp mạnh như kiểm tra đột xuất và đa dạng hóa cách làm sao cho phối hợp chặt chẽ với những địa phương ở những địa bàn trọng điểm; giữa những địa phương mà ở đó có sự gắn kết với nhau về thị trường, về thủ đoạn làm hàng giả, hàng kém chất lượng…

Cũng với cách thức thiết thực, hiệu quả, ông nhiều lần nhắc nhở một đơn vị  hãy bàn thảo đưa ra những đề án, dự án cụ thể, với những biện pháp cụ thể để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có ý định nghiêm túc có thể tiếp cận, kết nối được với hệ thống các nhà sản xuất trong nước, tạo nên những chuỗi sản xuất nhằm gia tăng giá trị nội địa hóa sản phẩm.

Công tác cải cách hành chính được kỳ vọng là tạo ra bước đột phá mới cho phát triển đất nước bằng việc khơi thông những nguồn lực trong xã hội. Nhưng sẽ khó đạt kết quả mong muốn nếu cải cách hành chính không chuyển động mạnh mẽ xuống tận cấp cơ sở. Hay như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã định danh cho căn bệnh này là “trên nóng, dưới lạnh”.

Những kinh nghiệm thành công trong cải cách hành chính cho thấy, sau khi giao việc cho cấp dưới thì việc đi kiểm tra đột xuất và định kỳ một cách chính thống hay vi hành đều có những giá trị riêng, bổ sung cho nhau, giúp cho lãnh đạo nắm bắt trực tiếp hơn hoạt động từ cơ sở, và có cái nhìn toàn diện hơn, nảy ra nhiều ý tưởng sinh động hơn, giúp công tác cải cách hành chính thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Nếu cải cách hành chính là một trong nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước thì kiểm tra sau giao việc là một nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính.