Kinh doanh khởi sắc, Vận tải Biển Việt Nam (VOS) muốn đầu tư mới loạt tàu “khủng”

Trong bối cảnh đã vượt xa mục tiêu lãi cả năm, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS) dự kiến trình cổ đông kế hoạch mua thêm tàu cũ và đóng mới loạt tàu size lớn.
Vận tải biển Việt Nam
Vận tải Biển Việt Nam hiện đang quản lý và khai thác 13 tàu với tổng trọng tải khoảng 420.000 DWT.

Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 19/11 tới đây.

Theo đó, Hội đồng Quản trị Vận tải Biển Việt Nam dự kiến trình cổ đông xem xét việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư tàu trong năm nay.

Cụ thể, đối với tàu hàng rời, Vận tải Biển Việt Nam dự kiến mua 01 tàu hàng rời cỡ Supramax đã qua sử dụng, size 56.000 – 58.000 DWT thay vì size 20.000 - 50.000 DWT như kế hoạch trước đó. Đồng thời, công ty cũng dự kiến đầu tư thêm 01 tàu hàng rời loại tương tự theo chủ trương đã được phê duyệt trước đó.

Đối với tàu dầu sản phẩm MR, Vận tải Biển Việt Nam dự kiến sẽ đóng mới 03 tàu dầu sản phẩm MR, size khoảng 50.000 DWT. Trước đó, cổ đông công ty cũng đa phê duyệt kế hoạch đóng mới 01 tàu dầu sản phẩm MR, size khoảng 50.000 DWT.

Đối với tàu hàng rời cỡ Ultramax, Vận tải Biển Việt Nam dự kiến đóng mới 04 tàu với size từ 62.000 - 66.000 DWT.

Vận tải Biển Việt Nam cho biết, đối với kế hoạch đầu tư 04 tàu dầu sản phẩm MR và 04 tàu hàng rời cỡ Ultramax, công ty sẽ trực tiếp đóng mới 02 tàu, trả tiền và nhận tàu theo phân kỳ đóng tàu; 02 tàu còn lại sẽ được thực hiện theo hình thức hợp tác với đối tác, công ty không phải bỏ tiền đầu tư.

Vận tải Biển Việt Nam hiện đang quản lý và khai thác 13 tàu với tổng trọng tải khoảng 420.000 DWT. Trong đó, công ty sở hữu 09 tàu, gồm 07 tàu hàng khô, hàng rời và 02 tàu container. Ngoài ra, công ty cũng thuê ngoài thêm 02 tàu dầu sản phẩm và 02 tàu hóa chất.

Giá cổ phiếu VOS Vận tải biển Việt Nam
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VOS của Vận tải Biển Việt Nam kể từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tắc nghẽn cảng chưa chấm dứt, loạt doanh nghiệp Việt kỳ vọng hưởng lợi" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Con tàu được đầu tư gần đây nhất của Vận tải Biển Việt Nam là Vosco Sunrise, được tiếp nhận vào năm 2013. Từ đó đến nay, công ty chỉ thanh lý các tàu cũ, tuổi cao, tình trạng kỹ thuật kém… và không đầu tư thêm tàu.

Theo Vận tải Biển Việt Nam, việc hạn chế đầu tư tàu là do trong giai đoạn trước dịch COVID-19, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh thấp khiến tình hình tài chính bị hạn chế nên công ty không thể thu xếp được nguồn vốn để đầu tư hoặc thuê tàu. Sau đó, công ty liên tục gặp các vướng mắc về cơ chế mua, đóng tàu mới và giá tàu thường xuyên ở mức cao nên rất khó khăn trong việc đầu tư hoặc thuê tàu.

Trước tình hình đội tàu hiện nay, ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam chia sẻ, so với năm 2013, đội tàu công ty đã giảm mạnh về cả số lượng và năng lực vận chuyển. Với quy mô đội tàu hiện tại, năng lực vận tải của công ty chỉ tương đương với một hãng tàu nhỏ trong khu vực, ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam cho biết.

Xét về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 4.239 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ tăng gấp 6,7 lần, đạt 413 tỷ đồng. Qua đó, vượt 74% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Duy Quang