Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tình trạng tắc nghẽn Cảng Singapore, cảng container lớn thứ hai thế giới, vốn kéo dài từ cuối tháng 5/2024 đến hiện nay tuy đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện thời gian chờ trung bình của các tàu để được vào cảng đã xuống dưới 2 ngày nhưng vẫn cao hơn mức thông thường.
Đáng chú ý, tình trạng tắc nghẽn tại Cảng Singapore thời gian qua đã gây tác động lan truyền đến các cảng trong khu vực. Điển hình, Cảng Cao Hùng, cảng container lớn nhất của Đài Loan (Trung Quốc), đã ghi nhận tình trạng tắc nghẹn với thời gian chờ vào cảng đã lên mức 1,5 ngày. Nguyên nhân là do các hãng tàu đã huỷ việc ghé các cảng Đông Nam Á của các tàu mẹ (Omitting Scheduled Vessel Calls) để tránh tình trạng tắc nghẽn và dồn vào các cảng khác trong khu vực để xuống hàng, sau đó hàng hoá được trung chuyển bằng các tàu nhỏ hơn đến đích.
Ngoài ra, với việc Chính phủ Trung Quốc vừa tung gói kích thích kinh tế kỷ lục nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước này được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới.
Dữ liệu thực tế (tính đến ngày 1/10) của hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica cho thấy các tàu đang phải chờ 2,7 ngày để vào cụm cảng Thượng Hải – Ninh Ba, cụm cảng container lớn nhất thế giới.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại Chứng khoán Bảo Việt nhận định tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trong khu vực sẽ còn kéo dài đến hết năm nay trong bối cảnh nhu cầu xuất nhập khẩu vẫn mạnh khiến cho cho lượng vận tải bằng tàu container duy trì ở mức cao. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông đang diễn ra phức tạp, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một số tuyến tàu từ châu Á - châu Âu.
Những diễn biến trên được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các cảng nước sâu ở Việt Nam khi các tàu container lớn có xu hướng chuyển dịch sang các cảng khác trong khu vực. Điều này lý giải phần nào cho sự tăng trưởng mạnh mẽ kết quả kinh doanh của các cảng HICT, cảng Gemalink…
Điển hình, Cảng Gemalink hiện là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) do liên doanh giữa Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) và CMA Terminals thuộc hãng tàu CMA CGM (Pháp) vận hành. Trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng thông qua Cảng Gemalink đã đạt 998.000 TEUs, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Chứng khoán Bảo Việt.
Tình trạng tắc nghẽn cảng cũng khiến giá cước vận chuyển container quốc tế tiếp tục neo cao, kéo theo đó là giá cước vận chuyển container nội địa. Tại thời điểm tháng 9/2024, giá cước trên các tuyền chủ chốt là Hải Phòng - TP.Hồ Chí Minh và TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng đã lần lượt tăng 15% và 9% so với hồi đầu năm nay, và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Môi trường giá cước cao được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của loạt doanh nghiệp vận tải biển như Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã cổ phiếu HAH), Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS),…
Ngoài ra, Chứng khoán Bảo Việt nhận định, tình trạng tắc nghẽn cảng cùng giá cước vận chuyển container neo cao được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các công ty khai thác cảng lớn như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (mã cổ phiếu MVN), Tập đoàn Gemadept… thuận lợi hơn trong việc đàm phán tăng giá phí, dịch vụ cảng đối với các hãng tàu lớn.