Sản lượng qua các cảng chủ chốt của Tập đoàn Gemadept (GMD) tăng vọt

Sản lượng qua Cảng Gemalink của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Gemadept
Sản lượng thông qua Cảng Nam Đình Vũ và Cảng Gemalink của Tập đoàn Gemadept ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng đầu năm nay.

Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán Bảo Việt, trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng thông qua cụm cảng miền Bắc của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) đã tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Sau khi đưa Giai đoạn 2 của Cảng Nam Đình Vũ vào hoạt động, sản lượng khai thác của cảng này đã đạt gần 680.000 TEUs trong 7 tháng đầu năm. Sau khi bán Cảng Nam Hải Đình Vũ trong quý 2/2023 và Cảng Nam Hải trong quý 1/2024, Tập đoàn Gemadept đã dồn nguồn lực cũng như tệp khách hàng từ 2 cảng trên cho Cảng Nam Đình Vũ. Đồng thời, đà hồi phục của hoạt động xuất khẩu trên cả nước cũng thúc đẩy sản lượng thông qua Cảng Nam Đình Vũ.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm nay, sản lượng thông quan tại Cảng Nam Đình Vũ ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 66,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao vượt trội so với các cảng khác trong khu vực Hải Phòng (phía ngoài cầu Bạch Đằng) như Cảng VIP Green (tăng 5,6%), Cảng Đình Vũ (tăng 21%), Cảng Hải An (tăng 26%)…Qua đó, cho thấy ngoài vị trí chiến lược, cảng Nam Đình Vũ cũng có năng lực thực thi mạnh mẽ hơn các đối thủ trong khu vực của Tập đoàn Gemadept.

Do đó, Chứng khoán Bảo Việt dự báo Cảng Nam Đình Vũ sẽ đạt 100% hiệu suất khai thác trong năm 2024. Tuy nhiên, trong trung hạn, hoạt động của cảng này sẽ chịu sự cạnh tranh khi Bến 3 & 4 Lạch Huyện của Cảng Hải Phòng đi vào hoạt động trong năm 2025.

Đối với cụm cảng phía Nam của Tập đoàn Gemadept, trọng tâm tiếp tục là Cảng Gemalink. Trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng thông qua Cảng Gemalink đã đạt 998.000 TEUs, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng thông quan của các cảng nước sâu Việt Nam nói chung và Cảng Gemalink nói riêng được nhận định sẽ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025 khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và châu Âu gia tăng bổ sung hàng tồn kho trở lại.

Giá cổ phiếu GMD Tập đoàn Gemadept
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GMD của Tập đoàn Gemadept từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Giai đoạn 2 - Cảng Gemalink của Tập đoàn Gemadept (GMD) có thể chậm tiến độ 2 năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Singapore, sẽ khiến một bộ phận hãng tàu có xu hướng chuyển dịch sang một số cảng tại Việt Nam. Xu hướng này có thể kéo dài cho đến hết năm nay, theo Chứng khoán Bảo Việt.

Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động từ năm 2021, Cảng Gemalink hiện đang chiếm thị phần hơn 30%, dẫn đầu tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng cảng luôn ở mức cao so với các cảng khác trong khu vực. Những yếu tố này cho thấy năng lực của Tập đoàn Gemadept trong việc vận hành cảng và ưu thế về vị trí địa lý của Cảng Gemalink.

Do đó, Chứng khoán Bảo Việt hiện dự phóng hiệu suất sử dụng của Cảng Gemalink sẽ lên tới 107% trong năm nay.

Một yếu tố khác hỗ trợ doanh thu của Cảng Gemalink đến từ Thông tư 39/2023/TT-BGTVT về việc điều chỉnh tăng phí khung giá dịch vụ cảng biển. Theo đó, Cảng Gemalink có thể tăng mức phí dịch vụ lên thêm 10%.

Duy Quang