Muốn tăng vốn điều lệ gấp 2 - 3 lần hiện tại
Mở rộng hoạt động trên thị trường vận tải quốc tế hiện là một trong hai chiến lược kinh doanh cốt lõi của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) nhằm đạt được mức tăng trưởng tốt trong trung hạn khi thị trường nội địa dự kiến sẽ duy trì ổn định.
Hiện PV Trans đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế lên mức ít nhất 70% vào năm 2025, so với mức khoảng 55% trong năm 2023. Trong năm ngoái, khoảng tỷ trọng tải trọng tàu chạy quốc tế chiếm đến 70% tổng tải trọng có thể vận chuyển của doanh nghiệp này.
Tính đến tháng 9/2024, PV Trans sở hữu và quản lý 55 tàu, đa chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời với tổng trọng tải đội tàu trên 1,5 triệu DWT. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo PV Trans, hiện thị phần của tổng công ty trên thị trường quốc tế chiếm chưa đến 1% do đó dư địa để mở rộng thị trường còn nhiều tiềm năng.
Nhằm đạt được mục tiêu mở rộng kinh doanh trên thị trường quốc tế, PV Trans đang dồn lực trẻ hoá, đầu tư mở rộng đội tàu. Theo công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, PV Trans dự kiến sẽ đầu tư 35 - 40 tàu trong giai đoạn 2024 – 2025 với mục tiêu nâng đội tàu toàn tập đoàn lên 85 chiếc trong cuối năm 2025, đạt 2,5 triệu DWT, tương đương với mức mở rộng 65% tải trọng so với hiện tại.
Riêng trong năm 2024, PVT đặt mục tiêu đầu tư 21 tàu mới toàn tập đoàn, bao gồm 13 tàu chở dầu, hoá chất, 4 tàu chở dầu khí hoá lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời với tổng mức đầu tư dự kiến là 492 triệu USD (khoảng 12.300 tỷ đồng).
Để đáp ứng cho kế hoạch trên, PV Trans đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2 - 3 lần trong giai đoạn 2025 – 2030, từ mức 3.560 tỷ đồng hiện tại lên trên 9.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng đội tàu. Kế hoạch trên sẽ được PV Trans công bố chi tiết sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam, đang sở hữu 51% vốn cổ phần PV Trans), phê duyệt.
Kế hoạch mở rộng đầy “tham vọng” liệu có khả thi?
Kế hoạch mở rộng đội tàu trên được nhiều hãng chứng khoán đánh giá “tham vọng”. Trong đó, Chứng khoán FPT cho rằng kế hoạch này khó có khả năng hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025 do thời gian xét duyệt tăng vốn của Petrovietnam có thể kéo dàu hơn dự kiến. Đồng thời, giá bán tàu trên thị trường tăng mạnh trong giai đoạn 2022 – 2024, vượt quá kế hoạch đầu tư của PV Trans.
Việc PV Trans đặt kế hoạch đầu tư cao có thể xuất phát từ việc tổng công ty muốn rút gọn thời gian đầu tư khi điều kiện thị trường thuận lợi và cơ hội đầu tư xuất hiện. Điển hình như hồi nửa cuối năm 2023, tổng công ty đã đầu tư mạnh 10 tàu, bao gồm 06 tàu chở xăng dầu thành phẩm/hoá chất.
Ban lãnh đạo PV Trans chia sẻ, trên thực tế, tổng công ty có thể đầu tư khoảng 7 – 8 tàu trong năm 2024, bao gồm 1 tàu dầu thành phẩm loại MR (45 nghìn DWT), 1 - 2 tàu hóa chất loại 20.000 DWT, 04 tàu hàng rời, và 01 tàu LPG size coaster với tổng vốn đầu tư khoảng 132 triệu USD (khoảng 3.300 tỷ đồng) và được đầu tư với cơ cấu vốn chủ/vốn vay là 30/70.
Tính đến tháng 9/2024, PV Trans đã đầu tư 4 tàu mới, bao gồm: 01 tàu hóa chất 20.000 DWT là tàu NV Apollo do Nhật Việt Trans đầu tư vào tháng 7/2024; 02 tàu hàng rời gồm 01 tàu Handysize là PVT Gloria (khoảng 35.700 DWT) do Công ty Cổ phần Hàng hải Thăng Long đầu tư vào tháng 3/2024 và 01 tàu Supramax là PVT Topaz do Công ty Cổ phần Vận tải Phương Đông Việt (mã cổ phiếu PDV) đầu tư vào tháng 9/2024; và 01 tàu LPG kích cỡ coaster do Công ty Cổ phần Vận tải khí (mã cổ phiếu GSP) đầu tư. Các tàu còn lại PVT dự kiến sẽ đầu tư vào quý 4/2024.
Dựa trên điều kiện hiện tại, Chứng khoán FPT nhận định PV Trans có thể đầu tư thêm 12 tàu mới với tổng vốn đầu tư đạt 382 triệu USD trong giai đoạn 2025 – 2030 với trọng tâm là tàu xăng dầu thành phẩm/hoá chất, tàu LPG, và tàu hàng rời.
Với số lượng tàu tăng lên như trên, tổng số tàu của PV Trans trong năm 2027 dự kiến đạt 68 tàu với tổng tải trọng đạt 1,9 triệu DWT, Hoàn thành 75% kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2025, theo Chứng khoán FPT.