VinFast hé lộ thời điểm hoà vốn, quỹ đầu tư Mỹ thoả thuận giải ngân 1 tỷ USD

Ban lãnh đạo hãng xe điện VinFast vừa tiết lộ chi phí sản xuất trung bình trên mỗi xe trong quý 2/2024 đã giảm tới 43%. Đồng thời, sẽ nhận được khoản giải ngân gần 1 tỷ USD mua cổ phiếu VFS từ quỹ Yorkville.
Xe điện VinFast
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng xe điện được giao của VinFast đạt 22.348 chiếc, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Vietcap cho biết đã tham dự cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của hãng xe điện VinFast (mã cổ phiếu VFS - sàn Nasdaq), công ty con của Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC).

Theo đó, VinFast cho biết đã bàn giao 13.172 xe điện trong quý 2/2024, tăng 44% so với quý 1/2024 và 43% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, doanh thu đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 33% so với quý liền trước và 9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, lỗ ròng ở mức 18.700 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 14.700 tỷ đồng trong quý 1/2024 và mức lỗ 13.400 tỷ đồng trong quý 2/2023. Biên lợi nhuận gộp là -63%, nguyên nhân chủ yếu do dự phòng giảm giá trị tài sản.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng xe điện được giao của VinFast đạt 22.348 chiếc, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, tổng doanh thu đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, và lỗ ròng ở mức 33.500 tỷ đồng, so với mức 27.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Các số liệu trên được hãng xe điện VinFast công bố theo chuẩn mực kế toán GAAP của Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh doanh số ô tô toàn ngành suy giảm, trong tháng 7 vừa qua, VinFast đã điều chỉnh giảm kế hoạch bàn giao xe trong năm 2024 từ 100.000 xuống 80.000 chiếc, với thị trường Việt Nam là trọng tâm.

Ban lãnh đạo VinFast kỳ vọng bàn giao ít nhất 20.000 chiếc xe điện VF 3 tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2024, trong khi xe điện VF 5 tiếp tục là động lực chính. Ban lãnh đạo công ty duy trì quan điểm lạc quan về tăng trưởng tại Việt Nam, sẽ bù đắp cho những thách thức trong ngắn hạn tại một số thị trường khác.

Giá cổ phiếu VFS hãng xe điện VinFast
Diễn biến giá cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: Yahoo Finance)

Xem thêm: "Xanh SM thuộc Tập đoàn Vingroup (VIC) mở chuỗi xưởng sửa chữa ô tô lớn nhất cả nước" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Công ty hiện kỳ vọng biên lợi nhuận gộp và EBITDA sẽ lần lượt đạt điểm hòa vốn vào năm 2025 và 2026. Trong đó, việc tối ưu hóa chi phí nguyên vật liệu (BOM) đóng vai trò quan trọng trong việc dần tạo ra lợi nhuận.

Theo ban lãnh đạo VinFast, trong quý 2/2024, chi phí nguyên vật liệu (BOM) trung bình trên mỗi chiếc xe bàn giao đã giảm 16% so với quý 1/2024, và chi phí sản xuất trung bình trên mỗi chiếc xe bàn giao giảm 43% so với quý 1/2024.

Kết quả trên đến từ việc sản lượng xe bàn giao tăng mạnh so với cùng kỳ quý trước và chi phí pin giảm, tối ưu hóa thiết kế, việc ra mắt các tính năng nâng cấp trả phí, và việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho một số linh kiện chính, ban lãnh đạo VinFast cho biết.

Về kế hoạch huy động vốn, ban lãnh đạo VinFast cho biết hiện có 2 nguồn huy động vốn chính gồm thỏa thuận phát hành vốn cổ phần trị giá 968 triệu USD dựa trên thoả thuận của quỹ đầu tư Yorkville (Mỹ) được ký hồi tháng 10/2023, và các khoản tài trợ dự kiến 1 tỷ USD đến từ ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup như đã công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Vingroup.

Duy Quang