Tính đến ngày 30/6/2024, Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) có hơn 39.964 tỷ đồng tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng, tương đương 1,62 tỷ USD. Con số này tăng gần 5% so với hồi đầu năm nay.
Lượng tiền này chiếm tới 46,3% cơ cấu tổng tài sản của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong bối cảnh nhu cầu vốn của công ty được nhiều tổ chức tài chính đánh giá sẽ ở mức “rất lớn” trong thời gian tới nhằm triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất và một số dự án khác nhằm tăng cường năng lực kinh doanh.
Dự án này có tổng vốn đầu tư là 1,489 tỷ USD nhằm nâng công suất của nhà máy thêm gần 16%, đạt 171.000 thùng/ngày. Dự án dự kiến được triển khai trong vòng 37 tháng, đưa vào vận hành quý 1/2028. Về vấn đề tài chính, dự án được triển khai theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 60/40.
Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng có kế hoạch xây dựng thêm các kho, bể chứa dầu thô kể từ quý 3/2024 với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, cùng với một số dự án khác.
Theo chia sẻ của ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hoá dầu Bình Sơn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 hồi tháng 5/2024, việc tiếp cận vốn cho dự án đang khó khăn vì lãi vay đang rất cao.
Do đó, Lọc hoá dầu Bình Sơn đang báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của công ty từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng (tương ứng tăng 61%). ự kiến việc tăng vốn sẽ diễn ra dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đây là kỳ vọng để Lọc hóa dầu Bình Sơn có đủ nguồn vốn chủ phục vụ dự án, đảm bảo vốn chủ chiếm tối thiểu 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, trái phiếu xanh cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.., ông Bùi Ngọc Dương cho biết.
Tính đến cuối tháng 2/2024, tổng nợ vay của Lọc hoá dầu Bình Sơn là 14.888 tỷ đồng, tăng 36% so với hồi đầu năm nay, trong đó toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Việc gia tăng nợ vay hiện chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, bao gồm tích trữ hàng tồn kho của công ty.
Trong khi đó, nợ vay dài hạn của Lọc hoá dầu Bình Sơn nhìn chung đã giảm mạnh trong vài năm qua, từ 5.192 tỷ đồng vào năm 2019 xuống còn 0 đồng từ năm 2022. Hệ số D/E của Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện ở mức 0,25 lần - mức khá thấp so với mặt bằng chung.
Hiện một số tổ chức tài chính đánh giá việc tăng vốn, huy động vốn của Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ được cấp tập triển khai khi công ty hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE).
Công ty đang thúc đẩy tiến độ quá trình này, đặc biệt là sau khi “nút thắt” liên quan tới khoản nợ quá hạn tại ông ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) được giải quyết.
Ngày 21/8, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên HoSE. Việc chuyển sàn sẽ giúp gia tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản của cổ phiếu BSR, từ đó giúp Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong & ngoài nước và hấp dẫn nhà đầu tư.
Ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện kỳ vọng quá trình niêm yết cổ phiếu BSR tại HoSE sẽ hoàn tất trong năm nay.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, việc chuyển sàn sang HoSE có thể tạo ra cú hích lớn cho cổ phiếu BSR khi các cổ phiếu từng chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE thường có diễn biến giá cổ phiếu tích cực, trước hoặc sau khi niêm yết tại sàn này. Điển hình, chỉ số P/B của cổ phiếu VTP - Viettel Post đã tăng 58,5%, VIB - Ngân hàng VIB tăng 92%, và PGV - Tổng Công ty Phát điện 3 tăng 108%.
Trong khi đó, Chứng khoán BIDV đánh giá cổ phiếu BSR nhiều khả năng lọt rổ chỉ số VN30 khi niêm yết trên HoSE, giải toả “cơn khát” cổ phiếu blue-chip của giới đầu tư trong thời gian qua.