Vận tải Biển Việt Nam (VOS) sắp họp Đại hội bất thường nhằm phát triển đội tàu

Trong năm nay, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS) dự kiến chi khoảng 1.900 tỷ đồng để đầu tư một loạt tàu, mở rộng năng lực đội tàu hiện nay.
vận tải biển việt nam
Tính đến cuối năm 2023, Vận tải Biển Việt Nam quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 433.674 DWT.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) vừa thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 trong tháng 11/2024.

Mặc dù chưa công bố các tài liệu chi tiết phục vụ Đại hội, ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam cho biết, Đại hội sẽ tập trung thảo luận và xem xét các nội dung về kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu.

Tính đến cuối năm 2023, Vận tải Biển Việt Nam quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 433.674 DWT gồm 7 tàu hàng khô, 4 tàu dầu và 2 tàu container. Bên cạnh đó, công ty cũng đang thuê 02 tàu dầu sản phẩm cỡ 50.000 DWT theo hình thức thuê tàu trần (bareboat); 02 tàu dầu/hóa chất cỡ 13.000 DWT và một số tàu hàng khô theo hình thức thuê tàu chuyến (voyage relet). Qua đó, Vận tải Biển Việt Nam là một trong những doanh nghiệp vận tải biển lớn nhất cả nước hiện nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 hồi tháng 4/2024, cổ đông Vận tải Biển Việt Nam đã thông qua kế hoạch đầu tư tàu mới. Cụ thể, công ty dự kiến phát triển 01 tàu hàng rời cỡ 38.000 DWT; 01 tàu hàng rời cỡ 64.000 DWT; và 01 tàu dầu cỡ MR khoảng 50.000 DWT nếu thị trường thuận lợi, giá tàu hợp lý để khai thác hiệu quả và tình hình tài chính cho phép. Tổng mức đầu tư vào khoảng 1.900 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của công ty là 40% (khoảng 760 tỷ đồng).

Giá cổ phiếu VOS Vận tải biển Việt Nam
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VOS của Vận tải Biển Việt Nam kể từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vận tải Biển Việt Nam (VOS): Lãi đậm nhờ thanh lý tàu, hoàn thành 132% mục tiêu lợi nhuận cả năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh kế hoạch đầu tư thêm các tàu mới, Vận tải Biển Việt Nam cũng có kế hoạch bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh (trọng tải 47.148 DWT, đóng năm 2004 tại Nhật Bản) do tàu đã trên 20 tuổi, khó khai thác hiệu quả. Đồng thời, công ty cũng dự kiến thanh lý thêm tàu Vosco Star và 02 tàu container khác.

Đến quý 2/2024, Vận tải Biển Việt Nam đã ghi nhận khoản lợi nhuận khác 393 tỷ đồng từ việc thanh lý tàu Đại Minh. Qua đó, giúp tổng lợi nhuận trước thuế đạt 344 tỷ đồng, so với mức lãi 6,4 tỷ đồng trong quý 2/2023.

Trong kỳ, Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên công ty ghi nhận lỗ gộp lên tới 23 tỷ đồng, so với mức lãi gộp 30,4 tỷ đồng trong quý 2/2023. Như vậy, nếu không có khoản lợi nhuận từ việc thanh lý tàu thì công ty sẽ ghi nhận lỗ ròng trong quý 2/2024.

Tính chung trong nửa đầu năm 2024, Vosco ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.969,5 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước và lãi trước thuế hợp nhất cao gấp 5 lần, đạt 427 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 122% kế hoạch doanh thu và 132% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Duy Quang