Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh đã khiến lãi gộp của Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận mức âm 23 tỷ đồng, so với kết quả lãi 30,4 tỷ đồng của quý 2/2023.
Điều này khiến, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận kết quả lỗ gần 49 tỷ đồng trong quý 2/2024, so với kết quả lãi 6,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong kỳ Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 393 tỷ đồng từ việc thanh lý tàu dầu Đại Minh. Nhờ vậy, công ty ghi nhận lãi ròng 284 tỷ đồng trong quý 2/2024, so với mức hơn 1 tỷ đồng của quý 2/2023.
Việc thanh lý tàu dầu Đại Minh đã được ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam thông báo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với lý do tàu đã “cao tuổi” nên khó khai thác hiệu quả đối với đặc thù của tàu dầu sản phẩm.
Vận tải Biển Việt Nam cũng được công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, mã cổ phiếu MVN) giao xem xét thanh lý thêm tàu Vosco Star và 02 tàu container. Vận tải Biển Việt Nam cho biết sẽ đánh giá tình hình thị trường, kết quả hoạt động của các tàu này để có giải pháp phù hợp.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận 2.969 tỷ đồng doanh thu, tăng 90% so với cùng kỳ và 358 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4,8 lần kết quả của nửa đầu năm 2023. Qua đó, hoàn thành 122% mục tiêu doanh thu và 132% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Về chiến lược kinh doanh, năm nay, Vận tải Biển Việt Nam có kế hoạch đầu tư thêm 03 tàu mới, gồm 02 tàu hàng rời cỡ 38.000 DWT và 64.000 DWT và 01 tàu dầu cỡ 50.000 DWT. Tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của công ty là 40% (tương đương 760 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để thuê thêm tàu khai thác bằng nhiều hình thức. Hiện Vận tải Biển Việt Nam đang thuê 02 tàu dầu trọng tải 50.000 DWT theo hình thức thuê tàu trần (bareboat) và 2 tàu dầu/hóa chất trọng tải 13.000 DWT cùng một số tàu hàng khô theo hình thức thuê tàu chuyến (voyage relet).
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vận tải Biển Việt Nam đạt 3.247 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng đột biến 296%, đạt gần 611 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 50%, đạt 772 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Vận tải đạt 1.234 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn (716 tỷ đồng).