Kinh hoàng ca từ nhạc chế - nhạc trẻ

“Hôm qua em đi chùa Hương, thân thể gầy trơ xương, bị đụng xe lúc đầu rô gương, xe của em nát như tương...”. Đó là những ca từ chế lại theo giai điệu bài hát “Em đi chùa Hương” đang tràn lan trong các

Một kiểu hài hước vô văn hóa.

            Những lời hát xuyên tạc kiểu như thế, đã manh nha từ các đĩa hài kịch chọc cười rẻ tiền hải ngoại, điển hình là “cây hài” Vân Sơn, Trần Thiện. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, “mầm bệnh nhạc chế” mới lan rộng qua hệ thống mạng Internet. Một bộ phận giới trẻ “ưa của lạ”, đang ráo riết săn lùng những lời ca bậy bạ ấy để thỉnh thoảng có dịp “biểu diễn”, thể hiện sự sành điệu, lõi đời. “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán, bán năm trăm để lấy tiền tiêu. Tiền tiêu xong lại nhớ người yêu. ở đợ 3 năm để chuộc người tình”. Lời ca chán đời đó không hiểu do bộ óc bệnh hoạn nào nghĩ ra. Chỉ biết rằng, không ít bạn trẻ lúc đầu chỉ là thấy “hay hay, là lạ” nên nghe thử, hoặc bạn bè truyền nhau hát nên cũng a dua theo, dần dần thành “nghiện” nhạc chế lúc nào không hay. Nhiều bài ngợi ca thói sở khanh, lừa đảo: “Vì tôi đẹp trai nên đi đâu cũng ra oai, vì tôi đẹp trai bao nhiêu cô cứ theo hoài. Vì tôi đẹp trai nên không cần cưới ai, bao nhiêu cô đã rớt đài và nhiều người đã có thai”. Không chỉ dừng lại ở những lời hát bậy bạ, hài hước rẻ tiền, nhiều ca khúc xuyên tạc còn có xu hướng phản động, bôi xấu chế độ: “Một ngàn năm nô lệ vợ Tàu, một trăm năm nô lệ vợ Tây... Gia tài của vợ là từng cơn ghen, gia tài của vợ là tiếng cằn nhằn” (nhái bài Gia tài của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn). Đặc biệt là các ca khúc hải ngoại của ca sĩ Quang Lê, Paris by night 77 đầy rẫy lời lẽ thù hận, nhảm nhí kiểu như: “Em có thương anh, cho anh gói con mèo. Rồi anh kể chuyện tù cho nghe”. Quang Lê tự xưng là “cựu tù”, luôn miệng nỉ non những điệp khúc rẻ tiền, vô nghĩa đó.

            Nguy hiểm hơn, nhiều bài hát cách mạng như Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Huyền thoại mẹ... cũng bị “chế lời” một cách vô tội vạ, minh họa cho ca từ là hình ảnh người mẫu mặc bikini hở hang. Lời hát rác rưởi của loại karaoke “chưa đánh đã khai”. “Anh cho em tiền đô”, “Vợ và ta” được minh họa bằng cảnh gái nhảy uốn éo, thoát y rất dung tục. Trâng tráo hơn, có đĩa nhạc còn đặt lời tựa là “chương trình mừng xuân 2005”, “dạ hội nhạc trẻ” với câu giới thiệu hùng hồn: “Trung tâm băng nhạc Trần Thiện xin kính chào quý vị!”. Không hiểu những “trung tâm” chuyên “nhạc rác” ấy được cơ quan nào cấp phép?

            Một điều tệ hại nữa là nhiều chương trình hài (trên truyền hình hẳn hoi) cũng góp tay “lăng xê” cho bệnh dịch nhạc nhái vô văn hóa này bằng những tiết mục chọc cười như: “Ước gì, trúng cả lô lẫn đề” hay “Người yêu ơi có biết, anh muốn... ăn thịt chó”. Vẫn biết là muốn gây hiệu ứng cười cho khán giả, thì phải có một chút “văn nghệ”, nhưng với kiểu hài rẻ tiền đó, không hiểu nhà đài có tính đến việc lợi bất cập hại?

 

            Nhạc trẻ đang “sến” dần.

            “Có lẽ anh và em chia tay sẽ đẹp hơn nếu ta sum vầy” (Yêu trong mù lòa) hay “Giờ đây mới được em yêu kề bên anh mà ngu sao làm chi để vụt bay mất tình sẽ đau” (Tình yêu trong âu lo). Đúng là “có lẽ” nghe xong những lời hát đó, không ít khán giả có lý trí sẽ cảm thấy thực sự “âu lo” vì mình sẽ bị “ngu” thật! Nhiều ca khúc nhạc trẻ có ca từ quá bặm trợn, hát mà như cãi nhau ngoài chợ cái - Thật không muốn đâu em ơi, tình đã hết ta chia tay. - Tình yêu với anh mong manh vậy sao? Thì như thế thật là, thật bất công với em. Lại nữa: - Giờ anh nói chính anh lại không muốn, chẳng lẽ em lại muốn thế, anh đổ lỗi cho em vậy sao? - Đổ lỗi để làm gì... anh chắc không phiền em nữa đâu. Kỳ lạ thay, những lời ca đốp chát, dị hợm kiểu ấy lại đang rất thịnh hành trong giới trẻ. Tôi cam đoan rằng, những người rành tiếng mẹ đẻ sẽ phải xấu hổ khi nghe những lời ca vô nghĩa như: Người ấy và chính tôi trong cuộc tình chúng ta. Em phải nhận ra một người thôi (Người ấy và tôi chọn ai). Từ “nhận ra” ở đây chắc là “chọn ra” chứ không phải em bị “mù màu”! Khi nghe ca sĩ hát rất hào hứng: “Oh, first kiss, you make me crazy, chẳng muốn ta rời bước đi, chỉ muốn tan vào với nhau. ố ố...” (Nụ hôn bất ngờ), thật không còn lời nào để miêu tả sự “bất ngờ” đến hoảng loạn với thứ ca từ hổ lốn đó.

            Với một số nhạc sĩ trẻ, bài hát được đặt tên theo kiểu “nhân bản vô tính”. Đã có “Người đàn ông chân thật”, lập tức có ngay “Người đàn bà tự tin” hay “Anh chàng đẹp trai” đang “đắt hàng” liền có “Cô nàng đẹp gái” nhảy vào ngay. Sự lặp lại sáo rỗng đến nhàm chán, nhưng dường như giới trẻ đang gặp khủng hoảng thiếu với nhạc trẻ nên đành phải nghe những bài hát vô nghĩa lý đến thế. Không những mất đi chất lãng mạn trữ tình, ca từ nhạc trẻ giờ đây còn bị lạc hướng vào bùn lầy của nhạc sến, với những câu chữ mà theo cách gọi của giới trẻ bây giờ là “vô cùng chuối”.

            Được tiếp tay bởi các cửa hàng băng đĩa lậu nhan nhản khắp nơi, bởi các website nhảm nhí trên mạng Internet và thậm chí là cả một số chương trình truyền hình, nhạc chế, nhạc trẻ rẻ tiền đang như vòi bạch tuộc vươn ra khắp nơi, tiêm nhiễm nọc độc vào một bộ phận giới trẻ, làm lệch lạc nhận thức thẩm mỹ của khán giả. Đó thực sự là thứ dịch bệnh văn hóa nguy hiểm cần được cả xã hội góp sức để dập tắt./.

  • Tags: