Theo khuyến cáo của các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần nắm rõ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng về hình thức bao gói, các yêu cầu về bao gói, ghi nhãn và các giải pháp trong thiết kế tinh gọn, tiết kiệm, thân thiện với môi trường, giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và nâng cao hình ảnh, uy tín của sản phẩm đối với khách hàng.
Nhãn hàng hóa trong các kênh xuất khẩu truyền thống
Kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công vào các thị trường có yêu cầu khắt khe về nhãn hàng hóa cho thấy những điểm mấu chốt mà các doanh nghiệp cần lưu ý đối với công tác ghi nhãn hàng hóa như sau:
Đầu tiên, doanh nghiệp cần nhận thức rằng việc ghi nhãn phải được thực hiện với sự cẩn trọng tối đa để một mặt đáp ứng đúng các yêu cầu của nước nhập khẩu, mặt khác là một kênh tiếp thị ổn định, hiệu quả cho chính sản phẩm của doanh nghiệp tại nước ngoài.
Để làm tốt việc nhận diện thương hiệu, nhà xuất khẩu cần thống nhất việc sử dụng các loại ký hiệu và dấu hiệu và cũng nên duy trì các giá trị có tính quốc gia và quốc tế khi dử dụng các dấu hiệu này. Việc ghi nhãn cần được ghi bằng tiếng Anh, các từ để mô tả quốc gia hoặc xuất xứ thì cần phải vừa lớn vừa nổi bật như bất kỳ chữ tiếng Anh nào nằm trên bao bì hoặc là nhãn sản phẩm.
Việc ghi nhãn sản phẩm cần phải cung cấp các thông tin quan trọng sau:
+ Thông tin hãng tàu
+ Xuất xứ quốc gia
+ Thông tin về trọng lượng (theo số cân Anh hoặc là kg)
+ Số lượng kiện hàng hoặc độ lớn của kiện (tính theo độ đo inch hay cm)
+ Dấu hiệu việc bốc dỡ (dấu hiệu bằng hình tượng quốc tế)
+ Dấu hiệu cho biết cần chú ý, chẳng hạn “This Side Up - Đặt phần này bên trên"
+ Cảng nhập khẩu
+ Nhãn ký hiệu các chất độc hại
+ Cách sử dụng, vận chuyển, tái chếhoặc tiêu hủy bao bì hoặc sản phẩm
+ Cần lưu ý là mỗi nước nhập khẩu sẽ yêu cầu ghi rõ thông tin trên nhãn đối với các loại dược phẩm, thực phẩm, sản phẩm y tế và hóa chất.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi thiết kế các nhãn hàng, các dữ liệu cần thiết nên được in bằng màu đen để dễ quan sát, các thông tin phụ thì dùng màu ít chú ý hơn, chẳng hạn như màu đỏ, màu cam. Đối với thực phẩm đóng gói trong bao lớn thì phải dùng thuốc nhuộm vô hại và thuốc nhuộm không được dính qua lớp mà làm ảnh hưởng đến hàng hóa.
Một điểm cần lưu ý là việc ghi xuất xứ trên nhãn mác của sản phẩm khác với việc ghi xuất xứ hàng hóa trên hồ sơ hải quan và chứng nhận xuất xứ (C/O). Doanh nghiệp có thể ghi nhãn theo thỏa thuận với bên nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm trong trường hợp có xảy ra tranh chấp hoặc khiếu kiện của phía nước ngoài, nhưng trong hồ sơ hải quan và xin cấp C/O thì phải ghi theo nguyên tắc và quy định về chứng nhận xuất xứ, ưu đãi thuế quan chứ không thể ghi theo thỏa thuận giữa bên xuất - bên nhập được.
Đối với những nhà xuất khẩu chưa có kinh nghiệm xuất khẩu sang một thị trường nào đó và chưa nắm chắc các yêu cầu về thông tin trên nhãn hàng, cách tốt nhất để thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu này và tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau này giữa hai bên là yêu cầu người mua hướng dẫn và thống nhất bằng văn bản với họ về nội dung nhãn hàng. Văn bản này cần đảm bảo tính pháp lý và bảo vệ được quyền lợi pháp lý cho nhà xuất khẩu Việt Nam trong trường hợp người xuất khẩu đã thực hiện đúng như thống nhất giữa hai bên mà nhãn hàng vẫn không được cơ chấp nhận.
Nhãn hàng hóa trong xuất khẩu qua siêu thị
Xuất khẩu qua siêu thị là kênh xuất khẩu mới, hiệu quả hiệu quả để doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hàng hóa ra thị trường thế giới. Một khi xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa của doanh nghiệp đã được “bảo đảm” bởi thương hiệu của nhà bán lẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là công tác ghi nhãn được lơ là mà càng phải được quan tâm kỹ lưỡng hơn, bởi nó được phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi, trình độ, tính cách khác nhau. Họ cũng không có nhiều kiến thức về ngành hàng và sẽ lựa chọn hàng hóa phần lớn dựa trên nhãn hiệu và những thông tin cảm quan mà họ thấy được từ hàng hóa trưng bày trong siêu thị. Một thực tế là hiện nay hàng Việt Nam bán tại các kênh siêu thị ở nước ngoài chưa nhiều do thương hiệu chưa được nhận biết. Nhãn mác hàng Việt tại nước ngoài khó đọc, chưa được người tiêu dùng nhận biết và tin dùng. Để khắc phục tình trạng này, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chú ý ghi rõ trên nhãn hàng đầy đủ thông tin về khẩu phần, danh sách nguyên liệu, chất gây dị ứng có trong sản phẩm (không chỉ dành cho thực phẩm mà bất cứ sản phẩm gì tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng). Đặc biệt, cần ghi rõ thông tin nhà sản xuất cũng như quốc gia xuất xứ của sản phẩm và cũng những điểm đặc trưng giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, phân biệt được các sản phẩm gần giống nhau.
Một kinh nghiệm thú vị nữa được rút ra là trong thời gian gần đây xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có nhãn môi trường, nhãn năng lượng đang gia tăng ở các nước phát triển. Do đó, việc tiên phong sử dụng bao bì sản phẩm an toàn và thân thiện môi trường có thể là một trong những cách tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng. Ngoài hiệu ứng tốt về tâm lý và marketing, bản chất việc sử dụng “bao bì xanh” cũng giúp doanh nghiệp góp phần giảm thiểu tác hại về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên mà còn cải thiện ý thức bảo vệ môi trường của người dân, nâng cao lợi ích kinh tế thương mại cho doanh nghiệp.