Mặc dù có thể sở hữu sản phẩm tốt, dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nào cũng có thể tồn tại được trong 03 tháng đầu tiên. Bởi đây là thời điểm “nhạy cảm” với tất cả những tác động đến từ thị trường và có thể triệt tiêu sự sống của doanh nghiệp.
Đó là những tác động đến từ sự lấn lướt áp đảo thương hiệu của những ông lớn đi trước cùng lĩnh vực. Đó là thái độ dè dặt và sự đánh giá, so sánh của người dùng trước những sản phẩm và thương hiệu mới xuất hiện. Và ẩn sâu bên trong doanh nghiệp chính là những khó khăn về tài chính, kinh nghiệm.
Bởi vậy, có một thực tế rằng, để tồn tại, không ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lao đao và buộc phải thay đổi kế hoạch hoạt động trong 03 tháng đầu tiên. Bằng mọi cách, muốn tiếp tục phát triển, doanh nghiệp phải đưa được sản phẩm đến với khách hàng.
Chỉ bằng cách đầu tư bài bản cho chiến dịch truyền thông, doanh nghiệp mới có thể “trụ hạng”. Nhưng rất khó để thể thực hiện được các chiến lược truyền thông & Marketing hiệu quả trong khi ngân sách không đủ lớn. 5 gợi ý sau đây sẽ là “kim chỉ nam” dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ:
Sử dụng Social Media là lợi thế
Theo thống kê vào 2020, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã lên đến hơn 65 triệu, tương đương với 67% tổng dân số. Đơn cử, Facebook đã có 59 triệu người dùng tính đến 6/2020. Đây là những con số chính xác để giúp cho các doanh nghiệp không còn là dự báo mà là xu hướng Marketing: tiếp cận khách hàng và định vị thương hiệu qua các kênh social media mà cụ thể là mạng xã hội.
Có thể thấy ngay lợi ích mà kênh truyền thông qua các mạng xã hội đem lại đó là: Chi phí thấp với hiệu quả cao.
Với Social Media, doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng dễ dàng, xây dựng bản sắc thương hiệu, tăng lượng truy cập vào website và thúc đẩy bán hàng hiệu quả.
Thách thức khi Marketing qua Social Media là nội dung của doanh nghiệp truyền tải phải đủ hấp dẫn và nổi bật so với các đối thủ khác đồng thời phải đem lại những thông tin giá trị cho người dùng. Nếu bạn làm được điều này thì đồng nghĩa bạn đã nắm chắc thành công trong tay.
Hợp tác cùng các “ông” lớn
Các doanh nghiệp nhỏ hiện nay chiếm đến 98% số lượng đơn vị kinh doanh đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, trong đó có các startup chiếm tới 68,2% và đóng góp 40% vào tổng GDP.
Tuy nhiên, với tỷ lệ đào thải nhanh và môi trường kinh doanh cạnh tranh khắc nghiệt, nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại, phát triển và chưa kịp để lại dấu ấn trong lòng khách hàng thì đã có nguy cơ phá sản.
Vì vậy, để tối ưu hóa chi phí Marketing, định vị thương hiệu lẫn tìm kiếm khách hàng mà vẫn đảm bảo hiệu quả, doanh nghiệp loại này nên hợp tác với những “ông lớn” mạnh hơn. Không chỉ là một đối tác đường dài bền vững trong tương lai mà qua mối quan hệ này, các doanh nghiệp sẽ xây dựng nên một hệ thống lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chiến lược giữ chân khách hàng tiềm năng
Khách hàng cũ chính là tệp tiềm tăng của doanh nghiệp. Chi phí để giữ chân khách hàng cũ luôn rẻ và hiệu quả hơn so với việc mở rộng tìm khách hàng mới. Vì vậy, nếu ngân sách chi cho hoạt động Marketing bị giới hạn, nếu là chủ doanh nghiệp, bạn đừng nên lãng phí chúng cho các chiến dịch tìm người dùng mới ít có ít tỷ lệ thành công. Thay vào đó, hãy cải thiện chất lượng của dịch vụ chăm sóc và tận dụng nguồn data khách hàng tiềm năng có sẵn.
Theo đó, nếu tăng 5% đến 10 % khách hàng và chăm sóc họ thật tốt, các doanh nghiệp nhỏ có thể tăng thêm từ 20% đến 25% lợi nhuận. Để làm được điều đó, hãy thường xuyên nhắc nhở về về các chương trình giảm giá, gửi thông tin về các chương trình ưu đãi, hỏi ý kiến họ về sản phẩm, tặng voucher, gửi lời chúc vào ngày sinh nhật,…
Tuy có vẻ đơn giản nhưng các hoạt động này sẽ mang về cho bạn một lượng khách hàng trung thành lớn bất ngờ! Đôi khi qua những chiến dịch như vậy khách hàng lại trở thành một đối tác truyền thông uy tín cho doanh nghiệp của bạn thông qua truyền miệng.
Đầu tư nội dung và hình ảnh cho website
Theo giảng viên Phạm Ngọc Tuyển - Trường Đại học Công nghệ Đông Á, chuyên gia marketing và truyền thông: trong thời đại công nghệ, khách hàng tìm kiếm mọi thông tin về sản phẩm/dịch vụ, mua hàng trên mạng Internet đặc biệt đối với những sản phẩm dịch vụ có trị giá lớn.
Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư thiết kế một website chuyên nghiệp. Cụ thể website của ngoài việc có đầy đủ thông tin về sản phẩm, lợi ích tính năng, cần thể hiện được cá tính của doanh nghiệp. Đó cũng chính là bước đầu tiên quan trọng để định hình thương hiệu.
Có thể tham khảo mô hình mua hàng: “Biết > thích > tin > mua”. Xây dựng sự nhận biết của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ; Biết rõ sở thích của khách hàng; Tác động tâm lý, tạo lòng tin với khách hàng; Thúc đẩy lựa chọn sản phẩm.
Truyền thông địa phương
Marketing địa phương là một phần của kinh tế sáng tạo – hoạt động tiếp thị không còn quá xa lạ với các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp sẽ xem bản thân địa phương mình đang phục vụ là một thương hiệu và sẽ tiếp thị cho thương hiệu đó.
Lúc này, nội dung sáng tạo và mang lại lợi ích cho cộng đồng của doanh nghiệp sẽ được chính quyền “PR” trên mọi kênh với chi phí thấp như một cách để thu hút đầu tư và lôi kéo thị trường bên ngoài.
Không chỉ có giá trị trong việc phát triển thương hiệu và sản phẩm của địa phương, lợi ích lớn nhất mang lại cho các doanh nghiệp nhỏ lúc này là hiệu quả marketing cực kỳ cao cho bản thân với chi phí thấp.
Ngoài 5 chiến lược trên thì những doanh nghiệp nhỏ muốn thành công cần phải chú ý tới 2 khía cạnh cực kỳ quan trọng khác, ví dụ:
- Truyền thông nội bộ và tận dụng tất cả các nhân viên trong doanh nghiệp trở thành một người bán hàng và là một đại sứ truyền thông thương hiệu cho doanh nghiệp của bạn.
- Xây dựng thương hiệu cá nhân đặc biệt là chủ doanh nghiệp. Ngày nay khách hàng cũng tìm hiểu và quan tâm tới thương hiệu cá nhân của người đứng đầu của doanh nghiệp, họ là ai? Tầm nhìn của họ là gì ? có thể hơi sớm với các doanh nghiệp nhỏ nhưng sẽ là lợi thế lớn nếu biết xây dựng thương hiệu của người đứng đầu để xây dựng lợi thế cạnh tranh và trở nên khác biệt với đối thủ.
Ngoài ra chuyên gia Phạm Ngọc Tuyển cũng chia sẻ thêm 8 kênh truyền thông-Quảng cáo giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lựa chọn cho phù hợp với chiến lược của từng doanh nghiệp, điển hình: Quảng cáo, Quan hệ công chúng, tổ chức các sự kiện trải nghiệm, Khuyến mại...