Nghiên cứu xây dựng maketing địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Bến Tre

ThS. ĐẶNG THANH LIÊM (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Văn Hiến)

TÓM TẮT:

Hiện nay, một số loại hình du lịch theo hướng gắn phát triển du lịch với các giá trị văn hóa trên địa bàn đang được nghiên cứu, liên kết khai thác có hiệu quả, như: du lịch sông, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái vườn. Với ưu thế và tiềm năng to lớn của mình, Bến Tre cần chú trọng xây dựng marketing địa phương nhằm phát triển du lịch hơn nữa trong thời gian tới.

Từ khóa: Marketing địa phương, phát triển, du lịch, Bến Tre.

1. Đặt vấn đề

Marketing đòi hỏi địa phương không chỉ nắm vững nhu cầu của khách hàng mà còn hiểu biết sâu sắc các quy trình ra quyết định của khách hàng để có giải pháp thích hợp thu hút khách hàng về với địa phương. Xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ, mỗi địa phương những cơ hội và thách thức để đạt được sự phát triển đồng bộ và bền vững. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các hoạt động marketing địa phương, có thể xác định chính xác những mong đợi hiện tại hay tiềm năng của du khách, nhà đầu tư, người dân và các doanh nghiệp của địa phương đối với ngành Du lịch, để xây dựng thương hiệu, định vị hình ảnh dựa trên các chiến lược và chương trình marketing hiệu quả. Tỉnh Bến Tre cũng đang chú ý đến các hoạt động marketing nhằm quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch. Marketing đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tỉnh Bến Tre cũng cần xây dựng cho mình chiến lược marketing địa phương nhằm định vị và quảng bá hình ảnh tới khách du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhanh chóng trở thành một tỉnh phát triển mạnh về du lịch.

2. Cơ sở lý luận về marketing địa phương

Theo Philip Kotler (2004), “Marketing địa phương được định nghĩa là việc thiết kế hình tượng của một địa phương để thỏa mãn nhu cầu của những thị trường mục tiêu. Điều này thành công khi người dân và các doanh nghiệp sẵn lòng hợp tác với cộng đồng và sự mong chờ của những người du lịch và nhà đầu tư”.

Xây dựng chiến lược tiếp thị địa phương là tìm cách phát huy những đặc thù riêng của địa phương mình nhằm hấp dẫn những thị trường và khách hàng muốn nhắm tới, vì thế nó phải dựa trên tiêu chí coi nhà đầu tư và khách hàng là trọng tâm. Cạnh tranh giữa các địa phương với nhau không chỉ là chất lượng sản phẩm và giá cả rẻ, mà còn cạnh tranh bằng cơ chế - chính sách, sự tận tụy - chuyên nghiệp của bộ máy nhà nước, thái độ ứng xử văn minh lịch sự của người dân, uy tín của doanh nhân và thương hiệu của doanh nghiệp.

2.1. Mục tiêu của marketing địa phương

+ Thu hút nhà đầu tư, kinh doanh

Các nhà đầu tư ngày càng trở nên chuyên nghiệp trong việc tìm kiếm và lựa chọn địa phương thích hợp. Nhà đầu tư nước ngoài với nguồn lực tài chính dồi dào, thế mạnh về chuyên môn kỹ thuật, công nghệ hiện đại và mạng lưới khách hàng ở nước ngoài sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các hình thức sau: Hợp tác kinh doanh, liên doanh, bán một phần vốn góp, chào bán cổ phần riêng lẻ, tăng vốn do tăng thành viên... Khi xem xét một địa phương, nhà đầu tư thường quan tâm đến các vấn đề: Chiến lược phát triển địa phương, đánh giá thị trường lao động, so sánh điều kiện và chi phí hoạt động, so sánh thuế kinh doanh, nghiên cứu bất động sản, đánh giá động lực, đàm phán và ngay cả quản lý việc xây dựng dự án.

+ Thu hút khách du lịch

Đối với các nhà marketing địa phương, điều quan trọng là phải đáp ứng hai nhóm khách hàng riêng biệt này. Các du khách thương nhân tập hợp tại một khu vực để tham dự cuộc họp hay hội nghị kinh doanh, du lịch ở một nơi nào đó, hoặc bán và mua, tham quan một nơi nào đó; những khách du lịch muốn thăm gia đình, bạn bè. Cộng đồng địa phương có một vai trò rất lớn trong sự phát triển du lịch, các hoạt động du lịch đều có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Khách du lịch ở đây là những đối tượng có nhu cầu trải nghiệm, nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức các nét đặc trưng văn hóa vùng miền ở các địa điểm khác nhau, khách du lịch được chia thành các nhóm chính: Khách du lịch trong nước, khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, cần làm cho người dân thấy được cách thức ứng xử có văn hóa với khách du lịch, thân thiện, hòa đồng, đó là một yếu tố quan trọng trong thu hút khách đến địa phương. Khách hàng mục tiêu mà marketing địa phương hướng tới không chỉ là lượng khách du lịch hiện tại, đã đến trải nghiệm tại địa phương mà còn là các đối tượng du khách chưa từng đến trải nghiệm, thăm quan, giải trí.

+ Xuất khẩu hàng hóa địa phương

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều các sản phẩm mang thương hiệu, nguồn gốc địa phương rõ ràng, chính điều này thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cũng như khẳng định vị thế của địa phương, khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương đối với khách hàng. Tại Bến Tre, những vườn hoa kiểng, cây trái nổi tiếng ở vùng Cái Mơn-Chợ Lách hàng năm cung ứng cho thị trường nhiều loại trái cây và hàng triệu giống cây trồng, cây cảnh nổi tiếng. Đặc biệt, Bến Tre là xứ sở dừa Việt Nam, nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước khoảng 51.560 ha. Cây dừa đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, có thể nói là cây xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời góp một phần đáng kể vào ngân sách địa phương. Từ cây dừa có thể làm ra nhiều sản phẩm hết sức đa dạng và phong phú, được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng. Vấn đề xuất khẩu hàng hóa địa phương trong xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu hóa ngày nay đang được quan tâm sâu rộng, việc đưa sản phẩm của địa phương đến với thế giới, là đưa một thương hiệu, đưa một niềm tin đến với thế giới, chính vì thế, cần có những chiến lược và bước đi phù hợp hơn nhằm thúc đẩy thị trường xuất khẩu sản phẩm địa phương.

+ Thu hút cư dân về địa phương

Việc thu hút dân cư rất quan trọng đối với một địa phương, giữ chân nhân tài và đào tạo để phát triển xây dựng địa phương là một việc rất cần thiết. Chính vì vậy, các địa phương đang xây dựng cho mình những chiến lược riêng để có thể thu hút cư dân về địa phương sinh sống và làm việc. Tùy thuộc vào những lợi thế của địa phương, nhà hoạch định có thể chọn một hoặc nhiều trong 4 lĩnh vực trên để áp dụng cho địa phương mình phát triển theo đúng định hướng, mục tiêu phù hợp với những điều kiện, tài nguyên sẵn có, lợi thế của địa phương đó.

2.2. Đối tượng và thị trường mục tiêu của marketing địa phương nhằm phát triển du lịch

+ Đối tượng của Marketing địa phương nhằm phát triển du lịch

Marketing địa phương nhằm phát triển du lịch liên quan đến 3 nhóm hữu quan chính:

Nhóm 1: Khách hàng trong thị trường du lịch, bao gồm: du khách, các nhà đầu tư, các chuyên gia về du lịch.

Nhóm 2: Các yếu tố để marketing cho khách hàng, bao gồm: các khu du lịch giải trí, các nguồn tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động tham gia vào hoạt động du lịch.

Nhóm 3: Các nhà hoạch định địa phương, bao gồm: sở văn hóa thể thao và du lịch, các công ty du lịch, các đại lý du lịch, trung tâm lữ hành, cư dân…

+ Thị trường mục tiêu của marketing địa phương nhằm phát triển du lịch

Du khách: Là những người đi đến địa phương du lịch nhằm mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi giải trí, hoặc nhằm những mục đích khác như tham gia lễ hội, tìm hiểu di tích, văn hóa - lịch sử, hành hương, thăm người thân, bạn bè… để kích thích chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, các địa phương luôn tìm cách thu hút họ bằng cách tạo ra những loại hình du lịch hấp dẫn.

Các nhà đầu tư du lịch: Các địa phương sử dụng nhiều cách thức để thu hút đầu tư về cho địa phương mình như tổ chức các hội thảo về thu hút đầu tư, thành lập các tổ chức xúc tiến đầu tư; xây dựng và quảng bá các chính sách, chương trình khuyến khích đầu tư như miễn thuế, các dịch vụ miễn phí…

Các chuyên gia về du lịch: Các địa phương luôn tìm cách thu hút những người có kỹ năng giỏi về định cư tại địa phương mình có trình độ chuyên môn cao như các nhà quản lý điều hành, chuyên viên, chuyên gia…

2.3. Công cụ marketing địa phương nhằm phát triển du lịch

Các địa phương có những cách thức marketing thương hiệu của mình khác nhau. Thông thường các nhà marketing địa phương sử dụng các chiến lược marketing thương hiệu địa phương là: (1) Marketing hình ảnh địa phương: (2) Marketing đặc trưng nổi bật; (3) Marketing hạ tầng cơ sở địa phương; và (4) Marketing con người của địa phương. Marketing địa phương được thực hiện thông qua việc tạo nên một hình ảnh tốt, một hình tượng hấp dẫn, có ấn tượng cho các thị trường mục tiêu của địa phương. Cách thực hiện thông qua việc xây dựng các “luận cứ độc đáo” cho thương hiệu địa phương mình để làm hấp dẫn khách hàng mục tiêu.

2.4. Thực trạng đánh giá marketing địa phương đối với phát triển du lịch Bến Tre

+ Giai đoạn 1: Đánh giá hiện trạng địa phương

- Thiết lập các đặc trưng hấp dẫn cho địa phương

Để thiết lập một cách đúng đắn, xác thực hiện trạng địa phương của mình, các địa phương cần phải có những nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và khoa học. Công tác đánh giá địa phương phải bắt đầu với những thông tin chính xác về các yếu tố hấp dẫn về kinh tế, nhân khẩu học của địa phương. Mỗi địa phương đều phải đánh giá được dân số, sức mua, cạnh tranh, thị trường nhà ở, cơ cấu ngành và những đặc điểm trong thị trường lao động, tình hình y tế, tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng giao thông, chất lượng cuộc sống, giáo dục… Đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc thù, triển khai các sản phẩm du lịch, xây dựng môi trường du lịch bền vững.

Tài nguyên du lịch Bến Tre khá đa dạng và phong phú từ tài nguyên tự nhiên như môi trường sinh thái, môi trường nước, khí hậu, thổ nhưỡng, sinh vật, cây trồng đa dạng và phong phú (trong đó điển hình là cây dừa) không những giúp ích cho môi trường sống của cư dân địa phương mà còn mang lại những giá trị đặc thù thu hút khách du lịch. Tài nguyên nhân văn của Bến Tre cũng không kém phần đa dạng phong phú như các di tích lịch sử, các công trình tôn giáo, các lễ hội (nghinh Ông, nông nghiệp, tôn giáo…), nghề và các nghề thủ công cổ truyền (nghề dệt chiếu cói, nghề làm gốm, nghề đóng gạch, nghề mộc, nghề đan mây tre lá, nghề trồng kiểng…), văn hóa nghệ thuật như đờn ca tài tử, cải lương, thơ ca dân gian, ẩm thực… Nếu được đầu tư, quan tâm và khai thác đúng hướng tài nguyên du lịch, tỉnh Bến Tre có thể có được những sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính khác biệt, độc đáo và đặc sắc so với sản phẩm du lịch thông thường nhằm thu hút du khách. Một số chương trình du lịch liên quan đến cây dừa có thể khai thác tốt ở Bến Tre và nếu kết hợp được với các tài nguyên du lịch khác thì sẽ đa dạng hóa được sản phẩm du lịch và thu hút được nhiều du khách hơn.

- Nhận dạng mục tiêu và xu hướng phát triển

Công việc hoạch định thị trường chiến lược marketing là một quá trình lâu dài, nên điều quan trọng nhất là phải dự đoán được những xu thế và hướng phát triển chính có khả năng ảnh hưởng đến địa phương. Những xu thế này không chỉ được mang ra thảo luận ở cấp độ cá nhân mà phải mang tính tập thể bao quát tất cả các loại hình tổ chức để tìm kiếm những ý tưởng mới. Các địa phương sẽ ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của sự phát triển và thay đổi ở châu Á và trên thế giới. Vì vậy, phải năng động theo dõi và dự báo những hướng phát triển mới ở các nơi khác trên thế giới.

- Xác định các vấn đề cốt lõi

Giá trị cốt lõi là nền tảng, là niềm tin, giúp địa phương phân biệt được đúng sai, xác định rõ hơn về hướng đi, con đường đúng đắn mà địa phương muốn hướng đến. Khi xây dựng được giá trị cốt lõi rõ ràng, địa phương sẽ biết mình đang đứng ở đâu, mình đang làm gì và sẽ phải làm những gì để tồn tại và phát triển tốt hơn. Các yếu tố lịch sử và tài nguyên thiên nhiên đã đem đến cho Bến Tre những lợi thế thuận lợi cho việc xây dựng đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 40% diện cây dừa trong cả nước. Do đó, nét đặc trưng nhất của vùng đất Bến Tre là cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Đã từ lâu, cây dừa đã gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần với cư dân trong tỉnh. Tỉnh Bến Tre cũng đã có nhiều hoạt động để quảng bá hình ảnh cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa trong cả nước và thế giới như là một lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp đặc thù và là nét cốt lõi đặc trưng marketing địa phương.

+ Giai đoạn 2: Xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển

Xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển cho một địa phương, tức là xác định giá trị cốt lõi của địa phương, địa phương xác định mong muốn trong tương lai sẽ phát triển theo hướng như thế nào về khách hàng, đối tượng du lịch mà địa phương hướng tới. Xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển sẽ thiết lập cho địa phương một hướng đi đúng đắn hơn trong việc phát triển cũng như nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.

+ Giai đoạn 3: Thiết kế các chiến lược phát triển

Đối với mỗi chiến lược tiềm năng, chủ thể marketing phải đặt ra hai câu hỏi như sau: (1) Chúng ra có những thuận lợi gì cho thấy có thể thành công với chiến lược đó? (2) Chúng ta có những nguồn lực nào cần thiết cho việc thực hiện thành công chiến lược đó?

+ Giai đoạn 4: Hoạch định chương trình hành động

Chiến lược chỉ có ý nghĩa khi được cụ thể hóa thành một kế hoạch hành động chi tiết. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa phương và khu vực phức tạp, nơi tư duy chiến lược thường chịu nhiều rủi ro thất bại khi chuyển sang bước triển khai. Một kế hoạch hành động nên liệt kê từng hành động, cộng với bốn yếu tố bổ sung sau cho mỗi hành động: (1) Ai chịu trách nhiệm? (2) Hành động được triển khai như thế nào? (3) Hành động này tốn bao nhiêu chi phí? (4) Thời hạn dự kiến hoàn thành.

+ Giai đoạn 5: Thực hiện và kiểm soát

Địa phương cần làm gì để thực hiện thành công đó là câu hỏi cũng như những câu trả lời về tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch chỉ hữu ích khi chúng được thực hiện một cách hiệu quả. Các nhà hoạch định chiến lược cần họp nhóm định kì để xem lại tiến độ hoàn thành mục tiêu, kiểm soát tiến trình hoạt động và thực hiện các mục tiêu. Phần lớn các địa phương chuẩn bị một bản tổng kết hàng năm trong đó phản ánh những số liệu cứng như số công dân, kết quả kinh tế, công ăn việc làm, thu nhập, thuế… Đây gọi là báo cáo hàng năm của địa phương

2.5. Marketing địa phương nhằm phát triển du lịch Bến Tre

- Xây dựng thương hiệu: Vấn đề đặt lên hàng đầu khi kinh doanh không chỉ đơn thuần là một cái tên mà còn chứa đựng ý nghĩa, thông điệp, hình tượng là tổng hợp những niềm tin, ý tưởng và ấn tượng mà người ta có về một địa phương. Địa phương sở hữu hình tượng, thương hiệu mạnh sẽ đạt được mục tiêu marketing địa phương một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.

Sản phẩm du lịch hiện có của tỉnh bao gồm: Du lịch sông nước miệt vườn (gồm 8 xã ven sông Tiền; tuyến du lịch Nam thành phố Bến Tre và huyện Chợ Lách): du lịch văn hóa - lịch sử gắn với làng nghề; du lịch homestay; du lịch nghỉ dưỡng (Forever Green Resort); tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú); sân chim Vàm Hồ; du lịch sinh thái cộng đồng Hưng Phong, Thạnh Phong - Thạnh Hải; tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa Bến Tre hướng về vùng đất "Đồng Khởi" anh hùng (các di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội, các làng nghề truyền thống) phát triển xây dựng thương hiệu, hình tượng marketing địa phương.

- Trách nhiệm và hiểu biết về tiếp thị địa phương: Để thúc đẩy một địa phương phát triển, chúng ta cần sự nỗ lực từ bên trong địa phương và đồng thời cũng cần có sự trợ lực từ bên ngoài để kích thích tiềm năng bên trong. Do vậy, ta cần giới thiệu địa phương ta với khách hàng bên ngoài để họ nhận ra địa phương ta có nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội làm ăn mà họ cần quan tâm. Để làm tốt công tác tiếp thị ta xem địa phương như là một sản phẩm hàng hóa.

Xác định được thế mạnh, tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch homestay, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cộng đồng để tạo nên sự hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Du lịch Bến Tre đang chú trọng đến một số vấn đề như: Chiến lược xúc tiến và quảng bá thương hiệu du lịch Bến Tre, logo du lịch Bến Tre, đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng loại sản phẩm du lịch đặc trưng đã được xác định, chiến lược phân khúc thị trường theo các yếu tố dân số, xã hội học và hình thức đi du lịch của du khách. Đối với du khách quốc tế thích khám phá, trải nghiệm thực tế cần tạo cảnh quan sinh thái hấp dẫn, mang đậm dấu ấn sông nước miệt vườn, tái hiện hình ảnh chợ quê, giúp du khách trải nghiệm "Một ngày làm nông dân", đối với du khách nội địa thích tổ chức dã ngoại, thể thao và giao lưu tập thể cần tạo môi trường du lịch sinh động, không gian thoáng mát, hướng dẫn tham quan một số di tích văn hóa - lịch sử mang đậm truyền thống cách mạng nhằm giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó nhau.

Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của bão lũ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm… Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh và du lịch của tỉnh. Khi giới thiệu về hình ảnh thành phố, có thể sử dụng khẩu hiệu “Thành phố thân thiện, hiếu khách là quê hương của những anh hùng yêu nước Đồng Khởi - Bến Tre”.

- Phát triển công nghệ thông tin: Ứng dụng CNTT mang lại nhiều tiện ích đối với phát triển kinh tế du lịch là không thể phủ nhận, đặc biệt trong công tác quản lý, nó mang lại nhiều lợi ích cụ thể: Chi phí phân phối thấp; chi phí truyền thông thấp; chi phí lao động thấp; giảm thiểu chất thải; người hỗ trợ tính giá linh hoạt. Bên cạnh đó là những tiện ích cho du khách như: Đáp ứng nhu cầu rất tốt; linh hoạt trong thời gian hoạt động; hỗ trợ chuyên môn hóa và sự khác biệt; cung cấp các giao dịch phút chót; thông tin chính xác; hỗ trợ tiếp thị mối quan hệ; nhiều sản phẩm tích hợp; nghiên cứu thị trường.

- Liên kết các ban ngành, tổ chức: Sự khác nhau trong chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển du lịchnếu các địa phương muốn liên kết phát triển du lịch không có những điểm tương đồng trong chủ trương, chiến lược, chính sách về phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mũi nhọn; về sự cần thiết phải liên kết theo xu hướng đa dạng hóa sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch. Nếu các địa phương muốn liên kết phát triển du lịch hiện đang khai thác các thị trường mục tiêu có đặc điểm tương đồng nhau thì việc triển khai liên kết phát triển du lịch sẽ gặp thuận lợi hơn. Ngược lại, nếu các địa phương đang khai thác các thị trường mục tiêu có đặc điểm rất khác nhau, thì việc triển khai liên kết phát triển du lịch sẽ khó khăn hơn.

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực lao động: Trước mắt, cần rà soát và đánh giá lại lực lượng lao động trong doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo hợp lý. Đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các trường cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng hoạt động để từ đó có thể dễ dàng thu hút các học sinh tốt nghiệp phổ thông theo học nghề, giúp cho họ có một tay nghề kỹ thuật vững chắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển du lịch của tỉnh. Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng môi trường làm việc trong doanh nghiệp du lịch, có chế độ ưu đãi chiêu hiền đãi sĩ, khen thưởng và kỷ luật phù hợp.

3. Kết luận

Bến Tre là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Vì thế để phát triển hợp lý nguồn tài nguyên vô giá này cần vận dụng marketing địa phương đúng đắn để thu hút khách du lịch đến Bến Tre. Một khi sản phẩm du lịch thu hút được du khách đến tiêu thụ sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận. Nguồn thu từ du khách, một phần sẽ tôn tạo lại các tài nguyên du lịch, đầu tư phát triển địa phương, các làng nghề có bán được sản phẩm thì người dân mới gắn bó với nghề truyền thống của họ và sốngcònvới nó. Ở nhiều địa phương tại Việt Nam, ngành Du lịch đã làm sống lại các làng nghề truyền thống, khơi dậy những nếp sống đẹp của người dân sở tại. Bến Tre là một tỉnh giàu tài nguyên du lịch, có thể phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo liên quan đến cây dừa tại địa phương. Để thực hiện tốt chiến lược này, cần có một sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, để nơi đây trở thành một điểm đến có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Đức Hùng, 2005. “Marketing địa phương của TP. Hồ Chí Minh”, NXB Lao động, TP. Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Văn Dung, 2009. “Chiến lược và chiến thuật quảng bá Marketing Du lịch”, Nhà xuất bản Giao thông vận tải.

3. Philip Kotler, 2010. “Quản Trị Marketing”. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.

4. Phạm Công Toàn, 2013. “Marketing lãnh thổ với việc thu hút và đầu tư tỉnh Thái Nguyên” Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

5. http://www.svhttdl.bentre.gov.vn/Pages/Default.aspx

DOING LOCAL MARKETING TO DEVELOP THE TOURISM SECTOR OF BEN TRE PROVINCE

MA. DANG THANH LIEM

Faculty of Economics - Van Hien University

ABSTRACT:

Some types of tourism which associate tourism development with cultural values in Ben Tre Province are being researched and linked to exploit effectively, such as river tourism, traditional crafts villages tourism and garden eco-tourism. Ben Tre Province should pay more attention on developing its local marketing in order to fully take local advantages to develop the provincial tourism sector in the future.

Keywords: Local marketing, development, tourism, Ben Tre Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.